Thực đơn cho người xạ trị ung thư: Cách xây dựng và menu gợi ý

Có nhiều yếu tố góp phần tăng hiệu quả xạ trị ung thư, trong đó có chế độ dinh dưỡng. Vậy, thực đơn cho người xạ trị ung thư được xây dựng dựa trên các nguyên tắc nào? Người bệnh nên ăn gì để nâng cao sức khỏe, tăng hiệu quả điều trị?

thực đơn cho người xạ trị

Xạ trị ảnh hưởng đến việc ăn uống ra sao?

Trong hầu hết các trường hợp, người xạ trị bệnh ung thư đều gặp một số vấn đề về ăn uống như kém hấp thu chất dinh dưỡng, chán ăn, buồn nôn, nôn ói,… Tuỳ thuộc vào mức độ bệnh, liều lượng tia phóng xạ được sử dụng cũng như kích thước và vị trí khu vực chiếu xạ mà mức độ ảnh hưởng của phương pháp xạ trị đến khả năng ăn uống có thể khác nhau ở mỗi người bệnh.

Trên thực tế, các loại tia phóng xạ chẳng hạn như tia Gamma… sẽ điều trị bệnh bằng cách đi xuyên qua cơ thể và phá hủy tế bào ung thư. Quá trình này có thể ảnh hưởng đến các vùng khỏe mạnh trong cơ thể, gây ra những vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa của người bệnh, chẳng hạn như:

  • Xạ trị vùng não: Gây buồn nôn, nôn ói.
  • Xạ trị vùng đầu cổ: Gây mất vị giác, đau rát cổ họng, khó nuốt, nước bọt đặc, đau miệng.
  • Xạ trị vùng ngực: Gây ợ nóng, ăn uống kém, uể oải, khó nuốt.
  • Xạ trị vùng bụng: Gây khó tiêu, buồn nôn, nôn ói, chướng bụng, tiêu chảy, đầy hơi.
Xạ trị ảnh hưởng đến việc ăn uống ra sao?
Người xạ trị bệnh ung thư thường gặp phải các triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa

Vì sao cần xây dựng thực đơn cho người xạ trị ung thư?

Việc xây dựng thực đơn cho người xạ trị ung thư là điều tất yếu, góp phần duy trì sức khỏe cho người bệnh và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh đạt được hiệu quả tối ưu. Một thực đơn đầy đủ dinh dưỡng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, như:

  • Cải thiện sức khỏe, miễn dịch, củng cố hàng rào bảo vệ cơ thể: Trên thực tế, có hơn ½ trường hợp người bệnh ung thư bị sụt cân, cơ thể thiếu vi chất trước khi tiếp nhận xạ trị. Trong quá trình xạ trị, trọng lượng cơ thể và sức khỏe tổng thể của người bệnh ung thư sẽ tiếp tục suy giảm. Do đó, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng góp phần giúp người bệnh ung thư được cung cấp đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết, nâng cao miễn dịch, sức khỏe.
  • Hỗ trợ tăng hiệu quả của phương pháp xạ trị: Chế độ dinh dưỡng khoa học với đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể sẽ góp phần nâng cao hiệu quả xạ trị tiêu diệt tế bào ung thư. Một số dưỡng chất có lợi cho quá trị xạ trị nên được bổ sung vào chế độ ăn uống gồm: chất xơ (tốt cho hệ tiêu hóa), chất đạm (hỗ trợ cơ thể hình thành tế bào mới), omega-3 (hỗ trợ làm giảm nguy cơ khởi phát các vấn đề về tim mạch), các chất chống viêm, chống oxy hóa…

Vì vậy, trong quá trình xạ trị, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xây dựng chế độ ăn uống chuyên biệt, tránh bỏ bữa để nâng cao sức khỏe và hiệu quả chữa trị.

banner khai trương phòng khám đa khoa tâm anh quận 7 mb

Chế độ ăn uống nên thay đổi như thế nào trong quá trình xạ trị?

Thực đơn cho người xạ trị cần tập trung vào việc tăng cường năng lượng, vitamin, khoáng chất và các nhóm dưỡng chất có lợi đối với sức khỏe. Bên cạnh đó, người bệnh nên ưu tiên các món ăn được chế biến đơn giản, lỏng hoặc sệt, dễ tiêu hóa. Nên tham vấn ý kiến bác sĩ, có thể tham khảo một số lưu ý như:

1. Ăn nhiều calo hơn

Xạ trị thường tiêu hao nhiều năng lượng của cơ thể, khiến người bệnh nhanh mệt mỏi, kiệt sức nếu không được cung cấp đủ dinh dưỡng. Dung nạp nhiều năng lượng từ khẩu phần ăn là cách giúp người bệnh đang xạ trị tối ưu quá trình hồi phục, tránh nguy cơ bị mệt mỏi, suy dinh dưỡng.

♦♦♦ Đăng ký tư vấn về thừa cân, béo phì tại đây ♦♦♦

button-tu-van-thua-can-beo-phi

Tiêu thụ từ 25 – 40 kcal/ kg cân nặng mỗi ngày là lượng calo được khuyến nghị ở người đang xạ trị. Điều này có nghĩa là một người bệnh nặng khoảng 60kg cần dung nạp từ 1500 đến 2400 kcal mỗi ngày.

2. Tăng cường protein

Theo khuyến nghị, tăng cường dung nạp protein là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao sức khỏe của người bệnh sau mỗi lần thực hiện xạ trị.

banner giảm thừa cân nâng hạnh phúc tìm lại thanh xuân
khám ung thư miễn phí

Mỗi ngày người bệnh đang xạ trị cần tiêu thụ từ 45 đến 60 g protein. Bởi vì, sau khi tiêu thụ, protein sẽ được phân giải thành nhiều loại axit amin có khả năng giúp sửa chữa tế bào bị hư tổn và hỗ trợ cơ thể sản sinh tế bào mới.

Nhờ vậy, các tác dụng phụ của quá trình xạ trị có thể được hạn chế, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

3. Cung cấp đủ vitamin và khoáng chất

Người bệnh đang xạ trị nên bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất từ khẩu phần ăn hàng ngày, bao gồm:

  • Vitamin nhóm B: Các loại vitamin nhóm B bao gồm B1, B2, B3, B6, B9 (axit folic) và B12 có vai trò quan trọng giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng và hấp thu chất dinh dưỡng hiệu quả hơn.
  • Vitamin C: Với tác động chống oxy hóa mạnh mẽ, vitamin C đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch và hồi phục tế bào bị hư tổn.
  • Vitamin D: Vitamin D cần thiết cho quá trình hình thành và phát triển hệ xương trong cơ thể. Đồng thời, bổ sung vitamin D cũng góp phần cải thiện hệ thống miễn dịch.
  • Vitamin E và các dưỡng chất giúp chống oxy hóa khác: Vitamin E cùng các loại dưỡng chất như beta-carotene, selen… có khả năng giúp bảo vệ tế bào của cơ thể, từ đó góp phần nâng cao sức khỏe tổng thể tối ưu.
  • Khoáng chất: Người bệnh đang xạ trị cần bổ sung đầy đủ các loại khoáng chất cần thiết cho cơ thể như magie, canxi, sắt, kẽm… Trong đó, canxi cần thiết cho sức khỏe của hệ xương, magie giúp hỗ trợ cải thiện chức năng thần kinh và cơ bắp, kẽm góp phần nâng cao sức khỏe hệ miễn dịch và chất sắt giúp tăng cường oxy cung cấp cho cơ thể.

4. Ưu tiên các món ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa

Tác dụng phụ của quá trình xạ trị như chướng bụng, buồn nôn, nôn ói, … có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hệ tiêu hóa. Do đó, để hỗ trợ quá trình tiêu hóa đạt hiệu quả tối ưu, người bệnh cần ưu tiên ăn các món dễ tiêu hóa như cháo, súp, các món hầm nhừ, trái cây chín và mềm…

thực đơn cho người xạ trị ưu tiên các món ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa
Thực đơn cho người xạ trị ung thư nên ưu tiên các món ăn mềm, dễ tiêu hóa
Xem thêm:
  • Người xạ trị nên ăn gì, kiêng gì để bồi bổ cơ thể, mau lại sức?
  • Sau xạ trị ung thư nên ăn gì, kiêng gì để nhanh phục hồi?

Cách xây dựng thực đơn cho người xạ trị ung thư

Dung nạp nhiều calo, tăng cường bổ sung protein, vitamin, khoáng chất và ưu tiên ăn món dễ tiêu hóa là những nguyên tắc giúp xây dựng thực đơn cho người xạ trị. Tuy nhiên, để có thể xây dựng được một chế độ dinh dưỡng chuyên biệt, phù hợp với bản thân, người đang xạ trị cần tư vấn cụ thể ý kiến của bác sĩ. Có thể tham khảo các nguyên tắc sau:

1. Lắng nghe cơ thể

Người bệnh đang xạ trị cần hiểu rõ tình trạng bệnh lý, các biểu hiện hay vấn đề đang gặp phải về tiêu hóa và nhu cầu dinh dưỡng hiện tại của cơ thể thông qua việc tham vấn ý kiến bác sĩ, từ đó chọn lựa được các loại thực phẩm phù hợp cho khẩu phần ăn của mình.

Chẳng hạn như, đối với người bệnh đang xạ trị ung thư gan có xuất hiện các hiện tượng như chướng bụng, chậm tiêu cần được bổ sung thực phẩm chứa hàm lượng chất chống oxy hóa, enzyme tiêu hóa và chất xơ. Bởi lẽ, chất chống oxy hóa giúp chữa lành tế bào gan bị tổn thương, enzyme hỗ trợ tiêu hóa và chất xơ sẽ góp phần cải thiện được triệu chứng đầy bụng, chậm tiêu.

2. Lập kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng các thực phẩm lành mạnh

Xây dựng kế hoạch ăn uống khoa học với các thực phẩm có lợi cho sức khỏe sẽ góp phần giúp người bệnh đang xạ trị kiểm soát được hàm lượng dưỡng chất được hấp thu, tránh dung nạp thực phẩm chứa các chất có hại cho quá trình xạ trị. Thông thường, thực đơn cho người xạ trị cần đảm bảo cung cấp đủ một số chất dinh dưỡng cơ bản và nguồn năng lượng thiết yếu gồm:

  • Năng lượng: 25 – 40 kcal / kg cân nặng / ngày
  • Chất đạm (protein): 60 – 70 g / ngày
  • Tinh bột (carbohydrate): 290 – 370 g / ngày
  • Chất xơ: 21 – 38 g / ngày
  • Chất béo (lipid): 25 – 35 g / ngày

Người bệnh đang thực hiện xạ trị nên ưu tiên dung nạp protein từ nguồn thực vật như các loại đậu (đậu xanh, đậu nành, đậu đỏ, đậu đen…) và các loại hạt (hạt điều, hạt chia, hạt lanh…). Người bệnh cần tăng cường cung cấp omega-3 từ các loại thực phẩm như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi, dầu ô-liu… và hạn chế dung nạp chất béo bão hòa từ các loại thực phẩm như thịt động vật chứa nhiều mỡ, đồ hộp, xúc xích, …
Ngoài ra, người bệnh cần tăng cường ăn các loại rau củ quả để hấp thu đầy đủ các vitamin, khoáng chất… cần thiết cho quá trình xạ trị.

3. Đảm bảo các bữa ăn nhiều dinh dưỡng

Như đã đề cập, người bệnh đang xạ trị cần đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng. Khẩu phần ăn cần cung cấp hàm lượng dinh dưỡng cao hơn, đảm bảo đa dạng các loại thực phẩm bao gồm:

3.1. Các loại rau và trái cây

Các loại rau và trái cây tươi là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa, chất xơ, khoáng chất và vitamin cần thiết cho sức khỏe của người bệnh đang xạ trị. Việc bổ sung các loại rau xanh và trái cây tươi vào thực đơn cho người xạ trị có thể giúp quá trình chữa lành tổn thương, hoạt động của hệ tiêu hóa được cải thiện đáng kể.

Một số loại rau xanh và trái cây tươi tốt cho sức khỏe của người bệnh đang xạ trị gồm: rau họ cải (cải thìa, cải xanh, bắp cải…), cam, quýt, bưởi, lựu, táo, dâu, mâm xôi…

Lưu ý: Người bệnh nên ưu tiên chọn ăn trái cây chín mềm và rau xanh đã được nấu chín để giúp hệ tiêu hóa hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn.

3.2. Sữa và các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo

Sữa không hoặc ít béo và các chế phẩm từ loại sữa này cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào giúp xây dựng cơ thể, bao gồm canxi và vitamin D cần thiết cho sự phát triển của hệ xương, protein giúp xây dựng và sửa chữa tế bào, vitamin nhóm B giúp tối ưu hiệu quả hấp thu năng lượng và hình thành tế bào trong cơ thể. Vì vậy, người bệnh đang xạ trị nên cân nhắc bổ sung sữa bò đã tiệt trùng tách béo, sữa chua ít hoặc tách béo, sữa chua Hy Lạp, …

3.3. Ngũ cốc nguyên hạt

Các loại ngũ cốc nguyên hạt bao gồm gạo lứt, yến mạch, lúa mạch đen, hạt kê, hạt diêm mạch, … là nguồn cung cấp chất đạm, chất béo tốt, chất chống oxy hóa, chất xơ, khoáng chất và vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B) dồi dào cho cơ thể. Theo nghiên cứu, tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt có thể góp phần làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh ung thư (đặc biệt là ung thư thực quản, trực tràng, tuyến tụy và dạ dày).

3.4. Protein

Sau khi tiêu thụ, protein sẽ được cơ thể phân giải thành nhiều loại axit amin – đây là thành phần thiết yếu giúp cấu thành nên khung tế bào. Vì vậy, protein đóng vai trò quan trọng, giúp tối ưu quá trình hình thành các tế bào mới khỏe mạnh để cơ thể hồi phục sau mỗi liệu trình xạ trị. Thực phẩm giàu protein nên có trong thực đơn cho người xạ trị bao gồm yến mạch, trứng, sữa, thịt nạc gia súc / gia cầm, yến mạch, các loại cá, đậu nành…

Cách xây dựng thực đơn cho người xạ trị ung thư
Bữa ăn trong thực đơn cho người xạ trị cần được chia nhỏ và đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất

4. Chế độ ăn uống khi điều trị xạ trị nên chia làm nhiều bữa nhỏ

Chia nhỏ bữa ăn là biện pháp hỗ trợ hệ tiêu hóa đạt hiệu quả tối ưu, hạn chế các tác dụng phụ của quá trình xạ trị. Vì vậy, thay vì dung nạp nhiều thực phẩm trong 3 bữa chính, người bệnh đang xạ trị nên chia thành nhiều lần ăn trong ngày và mỗi bữa ăn đều cần đảm bảo cung cấp đa dạng, cân bằng các chất dinh dưỡng.

Lưu ý: Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết chính xác nên chia thành bao nhiêu bữa ăn trong ngày và khối lượng, hàm lượng chất dinh dưỡng cần thiết trong mỗi khẩu phần để phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại của bản thân.

5. Uống nhiều chất lỏng

Mỗi ngày, người bệnh đang xạ trị nên uống đủ từ 1,5 đến 2 lít nước. Điều này sẽ góp phần cung cấp đầy đủ dịch cho cơ thể, qua đó hỗ trợ nâng cao sức khỏe tổng thể trong suốt quá trình xạ trị. Bên cạnh việc uống nước lọc, người bệnh có thể bổ sung nước từ các món ăn lỏng, sệt như cháo, canh, súp…

Mẹo giúp ăn uống đủ calo và dinh dưỡng khi xạ trị

Người bệnh ung thư đang xạ trị cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và năng lượng. Tuy nhiên, quá trình xạ trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng ăn uống và hoạt động của hệ tiêu hóa. Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để nhận tư vấn cụ thể, tham khảo một số vấn đề sau để thuận lợi hơn trong việc ăn uống:

  • Nhai chậm rãi: Nhai chậm khi ăn là biện pháp giúp bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa, tối ưu hiệu quả hấp thu chất dinh dưỡng và đào thải thành phần dư thừa ra khỏi cơ thể tốt hơn. Bên cạnh đó, nhai chậm còn góp phần khắc phục tình trạng khô miệng thông qua việc kích thích sự bài tiết nước bọt.
  • Đa dạng thực đơn ăn uống: Đa dạng thực phẩm và cách chế biến món ăn là điều cần thiết trong việc xây dựng thực đơn cho người xạ trị. Điều này sẽ góp phần làm đa dạng nguồn dinh dưỡng và kích thích sự thèm ăn của người bệnh, giúp hạn chế tình trạng chán ăn.
  • Giữ tinh thần tích cực, lạc quan: Người bệnh đang trong quá trình xạ trị ung thư cần giữ tinh thần vui vẻ, tránh căng thẳng, stress. Có như vậy, tinh thần của người bệnh mới được nâng cao, giúp tránh nguy cơ chán ăn và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả tối ưu.

Gợi ý thực đơn cho người xạ trị ung thư

Một số gợi ý thực đơn cho người xạ trị bệnh ung thư tham khảo. Lưu ý, nhu cầu dinh dưỡng ở mỗi người bệnh không giống nhau, tốt hơn hết người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xây dựng được thực đơn ăn uống an toàn và phù hợp.

Thực đơnCơ cấu khẩu phần
Bữa sáng

(7h00)

2 lát bánh mì nguyên cám, 2 quả trứng luộc, 100 ml nước ép bưởi.
  • Năng lượng: 1600 kcal
  • Đạm: 66 g
  • Đường bột: 279 g
  • Béo: 19 g
Bữa phụ sáng

(9h00)

180 ml sữa tươi tiệt trùng tách béo.
Bữa trưa

(11h00)

2 chén nhỏ cơm gạo lứt, 100 g phi lê cá hồi nướng, 1 chén canh cải ngọt.
Bữa phụ chiều

(14h00)

100 g salad rau và các loại hạt (hạt điều, hạnh nhân, hạt óc chó).
Bữa tối

(17h30)

150 ml cháo yến mạch nấu tôm, 30 g đu đủ chín.
Bữa phụ tối

(20h30)

100 g sữa chua Hy Lạp trái cây (táo, chuối, bơ).

Chăm sóc bệnh nhân xạ trị ung thư cần lưu ý gì?

Chăm sóc người bệnh xạ trị ung thư là quá trình dài từ trước, trong và sau mỗi liệu trình xạ trị. Một số lưu ý có thể bao gồm:

  • Trước khi tiếp nhận xạ trị: Người bệnh cần giữ tinh thần tích cực, tránh tình trạng căng thẳng quá mức. Ở thời điểm này, người thân cần đặc biệt quan tâm đến trạng thái tinh thần của người bệnh, đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe, giúp cơ thể người bệnh đủ khả năng đáp ứng liệu trình xạ trị.
  • Trong mỗi đợt xạ trị: Người thân cần quan sát và thông báo ngay cho bác sĩ về các biểu hiện bất thường có thể xảy ra ở người bệnh trong mỗi đợt xạ trị như xuất huyết, đau đớn, ăn uống kém… Khi đó, bác sĩ có thể cân nhắc điều chỉnh liều lượng xạ trị hoặc thay đổi phác đồ điều trị nếu cần thiết để đảm bảo tối ưu hiệu quả chữa bệnh, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho người bệnh.
  • Sau liệu trình xạ trị: Chăm sóc sau mỗi liệu trình xạ trị là điều quan trọng, góp phần rút ngắn quá trình hồi phục sức khỏe cho người bệnh ung thư. Một số điều cần lưu ý trong việc chăm sóc người bệnh ung thư sau xạ trị bao gồm: vệ sinh sạch sẽ vùng da chiếu xạ, ưu tiên ăn thức ăn lỏng hoặc mềm, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh hoạt động quá sức, tái khám định kỳ, tuân thủ chỉ định từ bác sĩ, …
Chăm sóc bệnh nhân xạ trị ung thư cần lưu ý gì?
Người xạ trị bệnh ung thư cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tối ưu thực đơn dinh dưỡng của mình

Để đặt lịch thăm khám, tư vấn về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp qua:

Tóm lại, việc xây dựng thực đơn cho người xạ trị ung thư cần chuẩn cá nhân hóa, là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả của phác đồ điều trị bệnh ung thư. Để hỗ trợ quá trình hồi phục sức khỏe và nâng cao hiệu quả điều trị, người bệnh xạ trị ung thư cần tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về dinh dưỡng của bác sĩ.