Tầm soát ung thư dạ dày bằng cách nào? Các phương pháp khám chẩn đoán

Ung thư dạ dày đứng thứ 5 về số ca mắc bệnh và tử vong trên thế giới. Tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh có thể lên đến hơn 75% nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nhưng tỷ lệ này giảm chỉ còn 7% nếu ung thư đã di căn xa. Tầm soát ung thư dạ dày là yếu tố quan trọng nhất giúp cải thiện tiên lượng sống của người bệnh ung thư dạ dày. Trong bài viết sau, hãy cùng tìm hiểu quy trình tầm soát ung thư dạ dày thông qua chia sẻ của bác sĩ CKI Vũ Trần Minh Nguyên, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

tầm soát ung thư dạ dày

Tầm soát ung thư dạ dày là gì?

Tầm soát ung thư dạ dày là các phương pháp được thực hiện nhằm phát hiện ung thư trước khi các triệu chứng xuất hiện. Khám tầm soát ung thư dạ dày giúp người bệnh phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, thậm chí ở giai đoạn tiền ung thư. Lúc này, việc điều trị sẽ dễ dàng và đạt kết quả tốt hơn rất nhiều so giai đoạn trễ. Phương pháp tầm soát ung thư dạ dày phổ biến nhất hiện nay là nội soi đường tiêu hóa trên. (1)

tầm soát ung thư dạ dày giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm
Tầm soát ung thư dạ dày giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm.

Các phương pháp tầm soát ung thư dạ dày

Hiện nay, tầm soát ung thư dạ dày như thế nào giữa các quốc gia vẫn còn chưa thống nhất. Nội soi và chụp X-quang có cản quang là hai phương pháp có thể được dùng trong tầm soát ung thư dạ dày. Trong đó, nội soi dạ dày kết hợp sinh thiết là phương pháp chủ đạo trong tầm soát ung thư dạ dày tại Việt Nam hiện nay.

1. Nội soi dạ dày

Nội soi là phương pháp tầm soát ung thư dạ dày phổ biến nhất. Nội soi dạ dày được thực hiện bằng cách luồn ống soi qua đường miệng hoặc mũi, sau đó ống soi sẽ được đưa xuống khảo sát đường tiêu hóa trên bao gồm thực quản, dạ dày và một phần tá tràng của người bệnh. Trên ống nội soi có gắn camera và đèn giúp bác sĩ quan sát trực tiếp bề mặt bên trong của đường tiêu hóa trên. Thông qua nội soi, bác sĩ có thể phát hiện những tổn thương bất thường trong lòng thực quản – dạ dày – tá tràng và xác định vị trí, kích thước, tính chất bề mặt của tổn thương.

banner khai trương phòng khám đa khoa tâm anh quận 7 mb

Khi phát hiện các tổn thương nghi ngờ, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết hoặc cắt bỏ tổn thương. Sau khi tổn thương được sinh thiết/cắt bỏ, mẫu mô thu thập được sẽ gửi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh nhằm xác định bản chất tổn thương.

Trong một số trường hợp, nội soi có thể kết hợp với siêu âm để khảo sát các tổn thương thuộc lớp dưới niêm mạc của đường tiêu hóa, hoặc khảo sát các cấu trúc lân cận như hạch bạch huyết, tụy, túi mật, gan.

nội soi dạ dày
Nội soi dạ dày là phương pháp chủ đạo trong tầm soát ung thư dạ dày tại Việt Nam.

2. Chụp X-quang dạ dày cản quang

Chụp X-quang dạ dày là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường được chỉ định để phát hiện các bệnh đường tiêu hóa. Tia X được phát ra sẽ đi qua cơ thể người bệnh đến tấm thu nhận, các tín hiệu sẽ được mã hóa và cho ra hình ảnh để các bác sĩ phân tích.

♦♦♦ Đăng ký tư vấn về thừa cân, béo phì tại đây ♦♦♦

button-tu-van-thua-can-beo-phi

Khác với phương pháp chụp X quang thông thường, khi chụp X quang dạ dày, người bệnh cần uống thuốc cản quang (barium). Thuốc cản quang giúp thể hiện hình ảnh những tổn thương trong lòng thực quản, dạ dày và tá tràng. Barium là loại loại thuốc an toàn, rất hiếm khi ghi nhận trường hợp dị ứng thuốc. Ưu điểm của chụp X-quang là ít xâm lấn, thực hiện nhanh chóng, dễ dàng và có chi phí thấp hơn so với nội soi.

Cần lưu ý rằng, khi phát hiện các tổn thương bất thường, người bệnh vẫn cần nội soi để bác sĩ quan sát trực tiếp tổn thương và thực hiện sinh thiết nhằm chẩn đoán xác định ung thư.

banner giảm thừa cân nâng hạnh phúc tìm lại thanh xuân
khám ung thư miễn phí

Trước khi quyết định tầm soát ung thư dạ dày bằng cách nào, người bệnh có thể bày tỏ mong muốn của bản thân để được bác sĩ tư vấn cụ thể ưu và nhược điểm của từng phương pháp.

Nếu bác sĩ phát hiện ung thư trong khi tầm soát, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán như chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) để đánh giá tình trạng di căn của ung thư trong cơ thể.

Vì sao nên tầm soát ung thư dạ dày?

Ung thư dạ dày giai đoạn đầu gần như không có bất kỳ triệu chứng nào, hoặc các triệu chứng gần giống với những bệnh lành tính khác. Một số trường hợp may mắn phát hiện sớm ung thư dạ dày trong lúc khám các triệu chứng khác hoặc khám sức khỏe tổng quát. Khi người bệnh đi khám vì các triệu chứng rõ ràng, đa phần ung thư đã chuyển sang giai đoạn trễ. Lúc này, hiệu quả điều trị kém hơn dẫn đến giảm tỷ lệ sống của người bệnh, đồng thời người bệnh gặp nhiều biến chứng và tác dụng phụ do ung thư cũng như điều trị.

Vì vậy, lợi ích lớn nhất của tầm soát ung thư dạ dày là giúp người bệnh phát hiện sớm ung thư và các tổn thương tiền ung thư, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện tỷ lệ sống cho người bệnh.

ung thư dạ dày giai đoạn sớm
Ung thư dạ dày giai đoạn sớm gần như không gây ra triệu chứng.

Nhật Bản là nước có chương trình tầm soát ung thư dạ dày rất hiệu quả. Thông qua việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư dạ dày, tỷ lệ sống của người bệnh ung thư dạ dày được nâng cao đáng kể, hơn 70% người bệnh tại Nhật Bản vẫn còn sống sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Trong khi đó, tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh ung thư dạ dày tại Anh và Hoa Kỳ chỉ đạt được lần lượt 20% và 36%. (2)

Theo một báo cáo được phân tích trên 118.367 người bệnh ung thư dạ dày tại Nhật Bản, tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh từ khi được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày là:

  • Giai đoạn IA: 91,5%.
  • Giai đoạn IB: 83,6%.
  • Giai đoạn II: 70,6%.
  • Giai đoạn IIIA: 53,6%.
  • Giai đoạn IIIB: 34,8%.
  • Giai đoạn IV: 16,4%.

Từ các số liệu của Nhật Bản, có thể thấy tỷ lệ sống sót ở giai đoạn III và IV thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu. Tại Anh và Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh ung thư dạ dày giai đoạn IV thấp hơn 10%. (3)

nội soi dạ dày là phương pháp tầm soát được khuyến khích
Nội soi dạ dày là phương pháp tầm soát được khuyến khích tại Nhật Bản.

Ai nên tầm soát ung thư dạ dày?

Ung thư dạ dày được xem là bệnh mắc phải, do người bệnh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ từ môi trường sống và thói quen sinh hoạt làm tăng khả năng mắc ung thư.

Vi khuẩn Helicobacter pylori đã được công nhận là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư dạ dày từ năm 1994 bởi Tổ chức Y tế Thế giới và có khoảng 50% dân số trên thế giới nhiễm H. pylori.

Nhiễm H. pylori mạn tính có thể dẫn đến viêm teo dạ dày và những thay đổi tiền ung thư khác ở lớp niêm mạc dạ dày. Trong số những người bị nhiễm bệnh, khoảng 10% tiến triển thành bệnh loét dạ dày tá tràng, 1%-3% tiến triển thành ung thư biểu mô tuyến dạ dày (adenocarcinoma) và ít hơn 0,1% tiến triển thành ung thư hạch (lymphoma dạng MALT: mucosa-associated lymphoid tissue). (4)

Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày bao gồm:

  • Độ tuổi: Đa số người bệnh mắc ung thư dạ dày đều từ 55 tuổi trở lên. Độ tuổi thường gặp nhất ở các người bệnh là khoảng 60, 70 tuổi.
  • Giới tính: Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao gần gấp đôi so với nữ giới.
  • Dân tộc: Người da trắng ít mắc ung thư dạ dày hơn người châu Á, người da đen và người Hispanic (người gốc Tây Ban Nha).
  • Vùng địa lý: Ung thư dạ dày phổ biến hơn ở Đông Á, Đông Âu, Nam và Trung Mỹ. Bệnh này ít phổ biến hơn ở Châu Phi và Bắc Mỹ.
  • Chế độ ăn uống: Thói quen ăn các thực phẩm bảo quản bằng muối sẽ làm gia tăng khả năng mắc ung thư dạ dày. Sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, hun khói hoặc nướng…. cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
  • Thừa cân: Nam giới thừa cân được thống kê mắc ung thư dạ dày nhiều hơn so với nam giới có cân nặng bình thường. Điều này chưa được thống kê và báo cáo ở nữ giới.
  • Rượu và thuốc lá: Thói quen uống rượu và hút thuốc lá có thể gây nhiều bệnh lý nguy hiểm trong đó có ung thư dạ dày.
  • Tiền căn phẫu thuật dạ dày: Ung thư dạ dày có thể phát triển ở những người đã cắt bỏ một phần dạ dày để điều trị các bệnh không phải ung thư. Điều này có thể là do dạ dày tạo ra ít acid hơn, tạo điều kiện cho nhiều vi khuẩn có hại xuất hiện. Trào ngược dịch mật từ ruột non vào dạ dày sau phẫu thuật cũng là yếu tố nguy cơ.
  • Tiền căn mắc các bệnh lý như: Bệnh thiếu máu ác tính (khiến cơ thể không hấp thụ được vitamin B12), thiếu dịch vị dạ dày (do phẫu thuật cắt dạ dày hoặc do bệnh lý như bệnh Menetrier – bệnh phì đại dạ dày), polyp tuyến dạ dày cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
  • Di truyền: Những người có người thân mắc ung thư hay các bệnh lý di truyền có liên quan như đa polyp gia đình, hội chứng Lynch, hội chứng Li-Fraumeni, hội chứng Peutz-Jeghers (PJS),… ung thư dạ dày do di truyền khá hiếm và người bệnh thường mắc ung thư trước 40 tuổi.
nguyên nhân hàng đầu gây ung thư dạ dày
Vi khuẩn Helicobacter Pylori là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư dạ dày.

Mặc dù đã xác định được một số yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày, nhưng việc tầm soát ung thư dạ dày trên thế giới vẫn chưa có được sự thống nhất về đối tượng, thời gian và phương tiện tầm soát. Tại Nhật Bản, tầm soát ung thư dạ dày được khuyến cáo đối với những người trên 50 tuổi. Trong khi đó, đối tượng tầm soát ung thư dạ dày tại Hàn Quốc là từ 40-75 tuổi.

Khi nào nên tầm soát ung thư dạ dày?

Chương trình tầm soát ung thư dạ dày đã được triển khai tại một số quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao như Hàn Quốc, Nhật Bản,Chile, Venezuela,… Tuy nhiên, mỗi quốc gia sẽ có khuyến cáo khác nhau về độ tuổi, thời gian và phương pháp tầm soát.

  • Nhật Bản: Những người trên 50 tuổi được khuyến cáo chụp X-quang có cản quang mỗi năm (thuốc cản quang được sử dụng qua đường uống), hoặc nội soi tiêu hóa trên mỗi 2-3 năm (bao gồm nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng).
  • Hàn Quốc: Những người từ 40-75 tuổi được khuyến cáo nội soi tiêu hóa trên mỗi 2 năm.

Tại các quốc gia chưa có khuyến cáo về tầm soát ung thư dạ dày thường quy, việc tầm soát cần dựa trên cá thể từng người bệnh có yếu tố nguy cơ như tiền căn bệnh của bản thân, gia đình. Đồng thời, phải cân nhắc về hiệu quả, chi phí và các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra trong quá trình tầm soát.

Khám tầm soát ung thư dạ dày bao nhiêu tiền?

Dưới đây là chi phí tham khảo để thực hiện các phương pháp khám tầm soát và chẩn đoán di căn ung thư dạ dày phổ biến:

  • Nội soi dạ dày thường: 600.000 – 1.000.000 đồng.
  • Nội soi dạ dày gây mê: 1.500.000 – 5.000.000 đồng.
  • Chụp X-quang có cản quang ổ bụng: 200.000 – 500.000 đồng.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) ổ bụng: 900.000 – 5.000.000 đồng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): 2.500.000 – 11.000.000 đồng.

Lưu ý, chi phí khám chỉ mang tính tham khảo, có thể chênh lệch rất lớn dựa trên nhiều yếu tố như chất lượng dịch vụ, thiết bị sử dụng, chất chất lượng đội ngũ y bác sĩ, uy tín của bệnh viện,…

Tầm soát ung thư dạ dày ở đâu?

Bệnh viện Đa Khoa (BVĐK) Tâm Anh TP.HCM là cơ sở uy tín, chất lượng cho người đang có nhu cầu tầm soát ung thư dạ dày cũng như khám sức khỏe toàn diện. Bệnh viện tự hào có đội ngũ y bác sĩ đầu ngành giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao cùng nhiều máy móc, thiết bị tiên tiến. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cũng tự hào đứng trong top 10 bệnh viện tốt nhất TP.HCM do Sở Y tế TP.HCM đánh giá và công bố.

bác sĩ đang thực hiện nội soi cho người bệnh
Bác sĩ đang thực hiện nội soi cho người bệnh.

Tại đây, khách hàng có thể được tầm soát hiệu quả một số bệnh ung thư phổ biến hiện nay như ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng… với chi phí hợp lý cùng độ chính xác cao và chất lượng dịch vụ hàng đầu tại TP.HCM. Không những vậy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM còn cung cấp rất nhiều gói khám sức khỏe với danh mục khám và xét nghiệm đa dạng, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của khách hàng.

Lưu ý trước khi tầm soát ung thư dạ dày

Hiện nay, nội soi dạ dày (có thể kết hợp sinh thiết) là phương pháp tầm soát ung thư dạ dày phổ biến nhất. Dưới đây là một số lưu ý cần biết trước khi thực hiện tầm soát ung thư dạ dày:

  • Người được nội soi cần phải nhịn ăn ít nhất 6-8 tiếng, nhịn uống ít nhất 2 tiếng trước khi thực hiện nội soi.
  • Nên nhờ bác sĩ tư vấn để lựa chọn phương pháp nội soi gây mê hoặc không gây mê. Đôi khi, người được nội soi không gây mê có thể buồn nôn hoặc cảm giác sợ trong quá trình nội soi.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang dạ dày có cản quang, lúc này, người được khám cần lưu ý:

  • Trước khi chụp X-quang, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh không ăn uống trong một khoảng thời gian nhất định, thường là sau nửa đêm trước ngày chụp X-quang.
  • Người được chụp X-quang có thể được yêu cầu tháo hết các trang sức, vật dụng kim loại ở khu vực bụng, ngực để tránh ảnh hưởng đến chất lượng ảnh chụp.
  • Uống đúng lượng thuốc cản quang mà bác sĩ yêu cầu trong quá trình chụp X-quang.

Trên đây là những phương pháp khám tầm soát ung thư dạ dày phổ biến và hiệu quả. Do ung thư dạ dày giai đoạn sớm gần như không có triệu chứng nên việc khám tầm soát thư dạ dày rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ sống của người bệnh. Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP.HCM là cơ sở cung cấp dịch vụ tầm soát ung thư uy tín, chất lượng với độ chính xác cao, nhờ có đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao cùng các thiết bị khám và xét nghiệm hiện đại.