Rối loạn tiền kinh nguyệt: Nguyên nhân và cách điều trị

Trước khi tới “mùa dâu”, chị em thường có biểu hiện rối loạn tiền kinh nguyệt như: đau đầu, mệt mỏi, đau lưng. Đây là những biểu hiện bình thường của cơ thể hay dấu hiệu báo trước những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe của chị em?

Menu xem nhanh:

1. Hội chứng rối loạn tiền kinh nguyệt là gì?

Hội chứng rối loạn tiền kinh nguyệt (hay còn gọi là hội chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt – PMS) là một nhóm các triệu chứng về tâm lý và thể chất xuất hiện ở phụ nữ trong khoảng thời gian từ một tuần đến mười ngày trước kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng thường giảm dần hoặc biến mất sau khi kinh nguyệt bắt đầu.

1.1. Rối loạn tiền kinh nguyệt nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân chính của PMS chưa được hiểu rõ, nhưng có một số yếu tố được cho là đóng vai trò trong việc gây ra các triệu chứng, bao gồm:
– Sự thay đổi trong cân bằng hormone: Trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ các hormone giới tính như estrogen và progesterone có sự thay đổi. Sự thay đổi này có thể gây ra các triệu chứng rối loạn tiền kinh nguyệt ở một số chị em.

rối loạn tiền kinh nguyệt

Trong chu kì kinh, chị em bị thay đổi hormone dẫn đến mệt mỏi, đau nhức người

– Hệ thống thần kinh trung ương: Một số nghiên cứu cho thấy rằng sự thay đổi của mức serotonin (một hóa chất thần kinh liên quan đến tâm trạng) trong não có liên quan đến các triệu chứng của PMS.
– Yếu tố di truyền: Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng PMS có thể có yếu tố di truyền, với nguy cơ cao hơn nếu mẹ hoặc chị em gái của bạn cũng thường xuyên có biểu hiện tiền kinh nguyệt.

1.2. Rối loạn tiền kinh nguyệt có biểu hiện như thế nào?

Các triệu chứng của PMS rất đa dạng, có thể ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất và hành vi. Một số triệu chứng dễ nhận biết bao gồm:
– Tâm lý: căng thẳng, trầm cảm, khó chịu, mất kiên nhẫn, khóc dễ dàng, thay đổi tâm trạng nhanh chóng.
– Thể chất: đau vú, đau đầu, mệt mỏi, khó ngủ, tăng cân, khó tiêu, đau bụng kinh, phù nề, đau lưng.
– Hành vi: thèm ăn, thay đổi khẩu vị, giảm ham muốn tình dục, kém tập trung, giảm hiệu suất lao động.
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt có thể khác nhau ở mỗi người và thậm chí có thể thay đổi từ chu kỳ này sang chu kỳ khác.

2. Hội chứng tiền kinh nguyệt diễn ra trong bao lâu?

Hội chứng tiền kinh nguyệt thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ một tuần đến mười ngày trước kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng thường giảm dần hoặc biến mất sau khi kinh nguyệt bắt đầu. Tuy nhiên, độ nặng và thời gian kéo dài của các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người và thậm chí có thể thay đổi từ chu kỳ này sang chu kỳ khác.

3. Chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt

Để chẩn đoán chính xác hội chứng tiền kinh nguyệt, bác sĩ cần quan sát và xác nhận những dấu hiệu sau đây ở người bệnh:
– Triệu chứng phải xuất hiện trong khoảng 5 ngày trước khi bắt đầu kỳ kinh mới và diễn ra liên tục trong ít nhất ba chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp.

Chị em nên ghi nhớ các triệu chứng tiền kinh nguyệt của mình để giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh, chính xác hơn

Chị em nên ghi nhớ các triệu chứng tiền kinh nguyệt của mình để giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh, chính xác hơn

– Triệu chứng thường giảm dần và kết thúc trong vòng 4 ngày sau khi kỳ kinh mới bắt đầu.
– Các triệu chứng gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của người bệnh.
Để giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác, bạn nên ghi nhớ các triệu chứng trong 2 – 3 chu kì kinh gần nhất của mình. Hãy lưu ý các dấu hiệu này xuất hiện vào những ngày nào trong tháng và thời điểm bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt. Việc này sẽ giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng của bạn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

4. Phương pháp điều trị, cải thiện hội chứng tiền kinh nguyệt

4.1. Tập thể dục

Đối với nhiều chị em, việc thường xuyên thực hiện các bài tập vận động giúp tăng nhịp thở và nhịp tim có thể giảm các triệu chứng do hội chứng tiền kinh nguyệt gây ra, đồng thời giảm mệt mỏi và ngăn ngừa trầm cảm.
Các hoạt động tập thể dục như: đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và hệ hô hấp.
Bạn hãy đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và kiên trì thực hiện để luôn có 1 sức khỏe dẻo dai nhất.

4.2. Giải tỏa căng thẳng

Khi đối mặt với hội chứng tiền kinh nguyệt, hãy tìm cách thư giãn và giảm căng thẳng. Bác sĩ có thể khuyến nghị áp dụng các phương pháp thư giãn như bài tập hô hấp, thiền, yoga để giảm các triệu chứng. Ngoài ra, liệu pháp massage cũng là một phương pháp trị liệu đơn giản khác có thể áp dụng.

Tập yoga hỗ trợ giảm stress cho chị em trước khi bước vào chu kì kinh nguyệt mới

Tập yoga hỗ trợ giảm stress cho chị em trước khi bước vào chu kì kinh nguyệt mới

Đồng thời, giấc ngủ đủ giờ cũng rất quan trọng giúp phụ nữ có đủ sức khỏe để chống lại các cơn đau bụng tiền kinh nguyệt. Hãy duy trì thói quen đi ngủ đúng giờ, cố gắng thức dậy và đi ngủ vào cùng một thời điểm hàng ngày, kể cả vào cuối tuần, để giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi.

4.3. Thay đổi sinh hoạt và chế độ ăn hàng ngày

Những điều chỉnh đơn giản trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt:
– Tăng cường carbohydrate phức hợp: Một chế độ ăn giàu carbohydrate phức hợp có thể giúp làm dịu các biến động tâm trạng và cảm giác thèm ăn. Carbohydrate phức hợp thường có trong các loại thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt như: bánh mì ngũ cốc, mì ống, và hạt ngũ cốc. Ví dụ khác gồm lúa mạch, gạo nâu, và đậu lăng.
– Bổ sung thực phẩm giàu canxi: Hãy thêm các sản phẩm giàu canxi, như sữa chua và rau lá xanh, vào thực đơn hàng ngày của bạn.
– Giảm chất béo, muối và đường: Hạn chế lượng chất béo, muối, và đường trong khẩu phần ăn.
– Tránh đồ uống có cồn và cafein: Hạn chế bia, rượu và các món chứa cafein như trà đặc, cà phê.
– Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ba bữa chính, chia thành 6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày, hoặc ăn ít hơn trong ba bữa chính và bổ sung thêm ba bữa ăn nhẹ.
– Duy trì mức đường trong máu ổn định: Giữ lượng đường trong máu luôn ổn định cũng là một phương pháp giúp giảm triệu chứng tiền kinh nguyệt.
Có thể nói, hội chứng tiền kinh nguyệt có thể xảy đến với bất cứ chị em nào, chúng có thể gây mệt mỏi, khó chịu. Việc quan trọng và cần thiết lúc này là bạn nên chủ động có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu các cảm giác khó chịu đang diễn ra.

Khám sức khỏe phụ khoa ngay khi nhận thấy triệu chứng tiền kinh nguyệt kéo dài và trở nặng

Khám sức khỏe phụ khoa ngay khi nhận thấy triệu chứng tiền kinh nguyệt kéo dài và trở nặng

Nếu các dấu hiệu tiền kinh nguyệt kéo dài, phức tạp, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thì bạn hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám, kiểm tra. Đây có thể không đơn giản là những biểu hiện trước khi bước vào kì kinh nguyệt thông thường mà là dấu hiệu cảnh báo cho các bệnh phụ khoa khác.
Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI quy tụ đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị hiện đại sẽ giúp chị em chăm sóc sức khỏe sinh sản chủ động. Nếu bạn còn câu hỏi, hãy liên hệ để chúng tôi hỗ trợ giải đáp nhanh nhất.