Bệnh ung thư dạ dày có chữa được không? Yếu tố nào ảnh hưởng?

Ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm với số ca mắc và tử vong cao tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Liệu bệnh ung thư dạ dày có chữa được không? Những phương pháp nào được dùng trong điều trị ung thư dạ dày? Hãy cùng theo dõi giải đáp của bác sĩ CKI Vũ Trần Minh Nguyên, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM qua bài viết sau.

ung thư dạ dày có chữa được không

Bệnh ung thư dạ dày có chữa được không?

Theo GLOBOCAN 2022, ung thư dạ dày là căn bệnh ung thư xếp hạng thứ 5 về số ca mắc và tử vong trên toàn cầu, vậy ung thư dạ dày có chữa được không? Tỷ lệ sống sót của người mắc ung thư dạ dày là bao nhiêu?

Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sau 5 năm trung bình của người bệnh ung thư dạ dày tại Hoa Kỳ đạt khoảng 36% (1). Trong khi đó, tỷ lệ này ở Anh là khoảng 20%. Trong đó, ung thư dạ dày giai đoạn IV có tiên lượng rất xấu, hầu như không có người bệnh sống hơn 5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Những số liệu trên cho thấy ung thư dạ dày là một căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong rất cao. (2)

tiên lượng ung thư dạ dày chữa được không
Ung thư dạ dày có chữa được không phụ thuộc chủ yếu vào thời điểm phát hiện bệnh.

Mặc dù vậy, tỷ lệ sống của người mắc ung thư dạ dày tại Nhật Bản lại khả quan hơn rất nhiều so với Anh và Hoa Kỳ. Trong một báo cáo tổng hợp từ 118.367 người bệnh ung thư dạ dày tại Nhật Bản từ năm 2001 đến năm 2007, tỷ lệ sống trên 5 năm trung bình đạt 71,1% cho tất cả các giai đoạn bệnh. Nếu chỉ tính riêng giai đoạn IA, tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh thậm chí có thể lên đến hơn 91%. (3)

Nguyên nhân có sự khác biệt lớn như vậy là nhờ vào hiệu quả của chương trình tầm soát ung thư dạ dày tại Nhật Bản. Thông qua việc tầm soát ung thư dạ dày, bác sĩ có thể phát hiện ung thư khi bệnh còn ở giai đoạn sớm hoặc giai đoạn tiền ung thư, nhờ đó, nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện tỷ lệ sống của người bệnh.

banner khai trương phòng khám đa khoa tâm anh quận 7 mb

Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng điều trị khỏi bệnh ung thư dạ dày

Bệnh ung thư dạ dày có chữa được không phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh. Giai đoạn bệnh ung thư dạ dày có thể được xác định dựa vào các hình thức: (4)

  • Trước phẫu thuật (còn gọi là giai đoạn lâm sàng – clinical staging): Giai đoạn thường được xác định bằng hình ảnh chụp CT scan ngực bụng có cản quang. CT scan giúp bác sĩ khảo sát kích thước, mức độ xâm lấn xung quanh của khối u dạ dày, đồng thời đánh giá các tổn thương nghi ngờ di căn hạch bạch huyết lân cận hoặc di căn đến các cơ quan khác. Trong một số tình huống, các bác sĩ có thể chỉ định thêm các phương pháp như xạ hình xương, MRI não, MRI gan, PET-CT… nhằm có thêm thông tin chẩn đoán.
  • Sau phẫu thuật (còn gọi là giai đoạn giải phẫu bệnh – pathological staging): Toàn bộ bệnh phẩm thu thập được trong phẫu thuật bao gồm khối u dạ dày, hạch bạch huyết, các tổn thương nghi ngờ di căn,… sẽ được gửi đến bác sĩ giải phẫu bệnh quan sát và phân tích dưới kính hiển vi. Giai đoạn bệnh sau phẫu thuật có giá trị chẩn đoán cao, do bác sĩ trực tiếp quan sát được hình ảnh tế bào ung thư và mức độ xâm lấn vi thể trong các tổn thương. Đồng thời, bác sĩ có thể phân loại tế bào ung thư và các đặc tính sinh học của bệnh thông qua việc phân tích mẫu bệnh phẩm thu thập được.

Đối với những trường hợp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, người bệnh hoàn toàn có thể điều trị khỏi bệnh. Tuy nhiên, ung thư dạ dày giai đoạn sớm gần như không có triệu chứng. Khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng rõ ràng, đa phần ung thư dạ dày đã tiến triển đến giai đoạn khá muộn. Một số trường hợp may mắn phát hiện bệnh sớm do tình cờ phát hiện bệnh khi khám sức khỏe tổng quát hoặc khám vì bệnh lý khác.

Đăng ký tư vấn về thừa cân, béo phì tại đây

button đặt lịch khám

Bên cạnh giai đoạn bệnh, một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc bị ung thư dạ dày có chữa được không bao gồm:

  • Độ tuổi: Người bệnh trên 60 tuổi khi phát hiện bệnh có tiên lượng không tốt bằng những người phát hiện bệnh ở độ tuổi trẻ hơn.
  • Kích thước khối u: U dạ dày có kích thước > 5cm thường có tiên lượng xấu hơn.
  • Đặc điểm giải phẫu bệnh: Ung thư dạ dày dạng tuyến biệt hóa tốt có tiên lượng tốt hơn các dạng biệt hóa trung bình hoặc kém; các loại ung thư dạng tế bào nhẫn, tế bào nhầy có tiên lượng xấu hơn so với dạng tế bào tuyến.
  • Đặc tính sinh học của khối u: Một số loại ung thư dạ dày mang các đột biến như HER2, PD-L1, MSI… bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm phân tích đột biến khi xác định ung thư dạ dày di căn, do mỗi loại đột biến có hướng điều trị và tiên lượng khác nhau.
  • Cơ quan bị di căn: Ung thư dạ dày di căn đến nhiều cơ quan, tuy nhiên một số vị trí như di căn gan, não… có tiên lượng xấu hơn so với di căn đến cơ quan khác.

Ngoài ra, tiên lượng của ung thư dạ dày còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như sự đáp ứng của người bệnh với phương pháp điều trị, các tác dụng phụ và biến chứng xảy ra trong quá trình điều trị, thể trạng người bệnh, các bệnh lý nền đi kèm, tình trạng tâm lý xã hội của người bệnh… Tóm lại, ung thư dạ dày có chữa được không phụ thuộc vào tình trạng ung thư và sức khỏe cụ thể của mỗi người bệnh.

khám ung thư miễn phí

Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày phổ biến

Hiện nay, các hướng dẫn điều trị ung thư của Bộ Y Tế và thế giới đều nhấn mạnh vai trò của điều trị đa mô thức, đây là hình thức kết hợp nhiều liệu pháp điều trị ung thư nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, vị trí và mức độ di căn, kết quả giải phẫu bệnh, đặc tính sinh học khối u, thể trạng người bệnh, các bệnh lý đi kèm,… vì vậy, việc lập kế hoạch điều trị cần có sự đánh giá toàn diện và cá thể hóa đối với từng trường hợp người bệnh. (5)

phẫu thuật có chữa ung thư dạ dày được không
Phẫu thuật đóng vai trò chủ đạo trong điều trị triệt căn ung thư dạ dày.

1. Phẫu thuật

Phẫu thuật đóng vai trò chủ đạo trong điều trị ung thư dạ dày. Hiện nay, có rất nhiều kỹ thuật được dùng để phẫu thuật ung thư dạ dày. Tùy vào giai đoạn, vị trí của ung thư trong dạ dày mà các bác sĩ sẽ lựa chọn kỹ thuật phù hợp. Ung thư dạ dày có chữa được không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng loại bỏ khối u và hạch bạch huyết xung quanh dạ dày.

  • Phẫu thuật qua ngả nội soi dạ dày: Bao gồm phẫu thuật cắt lớp niêm mạc (EMR: Endoscopic mucosal resection) hoặc cắt lớp dưới niêm mạc (ESD: Endoscopic submucosal dissection). Phẫu thuật được thực hiện trong quá trình nội soi dạ dày. Đây là liệu pháp có thể được chỉ định đối với ung thư dạ dày giai đoạn chưa xâm lấn đến lớp dưới niêm mạc. Phẫu thuật này không để lại vết mổ trên thành bụng, đồng thời giữ được gần như toàn vẹn chức năng của dạ dày.
  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày: Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ một phần dạ dày chứa khối ung thư, có thể kết hợp nạo vét hạch bạch huyết lân cận (còn gọi là hạch vùng). Sau khi cắt bỏ một phần dạ dày, các bác sĩ sẽ nối lại dạ dày giúp người bệnh bảo toàn một phần chức năng của dạ dày.
  • Phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày: Khi ung thư đã lan rộng trong dạ dày hoặc xâm lấn các cấu trúc xung quanh, các bác sĩ buộc phải cắt toàn bộ dạ dày. Phẫu thuật có thể bao gồm cắt một phần của thực quản hoặc các cấu trúc bị xâm lấn xung quanh dạ dày. Thực quản sẽ được nối trực tiếp vào ruột non của người bệnh. Sau phẫu thuật, người bệnh không còn nơi chứa và nghiền thức ăn, nên cần chia bữa ăn thành nhiều cữ nhỏ trong ngày để tránh tình trạng đau bụng hoặc tiêu chảy sau ăn. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể chịu một số biến chứng như nôn ói, chán ăn do cơ thể chưa quen với việc thiếu dạ dày.
minh họa phẫu thuật nội soi ổ bụng
Minh họa phẫu thuật nội soi ổ bụng.

2. Hóa trị

Hóa trị là phương pháp có thể được sử dụng trước hoặc sau khi phẫu thuật ung thư dạ dày: (6)

  • Trước phẫu thuật (hóa trị tân hỗ trợ): Hóa trị nhằm giảm kích thước khối u hoặc có thể giảm giai đoạn bệnh trước phẫu thuật. Việc điều trị tân hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật, tăng khả năng lấy trọn các tổn thương ung thư trong quá trình phẫu thuật và tăng hiệu quả điều trị bệnh.
  • Sau phẫu thuật (hóa trị hỗ trợ): Hóa trị được chỉ định sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật. Mục đích giúp hạn chế khả năng tái phát của ung thư.

Đối với người bệnh không thể phẫu thuật, hóa trị có thể được sử dụng để giảm nhẹ các triệu chứng, làm chậm sự phát triển của ung thư. Lúc này, việc điều trị nhằm mục đích làm tăng chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống, khó có thể điều trị khỏi hẳn bệnh. Việc chỉ định hóa trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thể trạng, nguyện vọng của người bệnh. Hóa trị có thể được kết hợp với liệu pháp nhắm trúng đích hoặc miễn dịch nhằm tăng hiệu quả điều trị.

Dù vậy, hóa trị có khả năng quyết định ung thư dạ dày có chữa được không. Cụ thể, một số trường hợp ung thư ban đầu không thể phẫu thuật, chuyển thành có thể phẫu thuật sau khi điều trị toàn thân bằng hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch. Vì vậy, người bệnh nên giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực và tuân thủ phác đồ điều trị để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

3. Xạ trị

Xạ trị có thể được chỉ định sau phẫu thuật với vai trò hỗ trợ nhằm hạn chế nguy cơ tái phát. Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị trong điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật (còn gọi là hóa xạ đồng thời). Trong một số tình huống bệnh di căn xa, xạ trị có thể được sử dụng để giảm nhẹ các triệu chứng hoặc kiểm soát các biến chứng (ví dụ: xạ trị chống chèn ép tủy trong ung thư di căn cột sống, xạ trị não nhằm giảm triệu chứng thần kinh trong ung thư di căn não…). Dù tình trạng ung thư dạ dày có chữa được không, xạ trị vẫn là phương pháp giúp người bệnh giảm nhẹ, kiểm soát biến chứng hiệu quả.

xạ trị quyết định ung thư dạ dày có chữa được không
Xạ trị có thể quyết định việc ung thư dạ dày có chữa được không.

4. Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng thuốc nhắm vào các cơ chế đặc biệt của tế bào ung thư, khiến tế bào ung thư không thể phát triển và bị tiêu diệt. Mỗi trường hợp ung thư dạ dày sẽ có đặc tính sinh học riêng, được xác định thông qua việc xét nghiệm trên mẫu bệnh phẩm thu thập được trong quá trình phẫu thuật hoặc sinh thiết. Tùy thuộc vào kết quả, bác sĩ sẽ tư vấn liệu pháp nhắm trúng đích phù hợp. Liệu pháp nhắm trúng đích thường được dùng kết hợp với hóa trị để làm tăng hiệu quả điều trị bệnh, ví dụ: kết hợp Trastuzumab với hóa trị trong điều trị ung thư dạ dày có biểu hiện HER2 dương tính.

5. Liệu pháp miễn dịch

Các tế bào ung thư có những cơ chế giúp “tránh” bị tiêu diệt bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Liệu pháp miễn dịch sử dụng các loại thuốc giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm tăng khả năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư của hệ thống miễn dịch. Liệu pháp này có thể kết hợp với các phương pháp điều trị toàn thân khác (hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích) hoặc được dùng đơn lẻ.

6.Chăm sóc giảm nhẹ (CSGN)

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, 2002): “Chăm sóc giảm nhẹ nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình người bệnh, những người đang đối mặt với những vấn đề liên quan tới các bệnh đe dọa đến tính mạng, thông qua việc ngăn ngừa và làm giảm nỗi đau bằng cách nhận biết sớm, đánh giá toàn diện và điều trị đau cùng các vấn đề khác như thể chất, tâm lý, xã hội và tâm linh”.

Dù tình trạng ung thư dạ dày có chữa được không, chăm sóc giảm nhẹ vẫn nên được bắt đầu từ khi mới phát hiện bệnh và phối hợp đồng thời với các liệu pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Vai trò của chăm sóc giảm nhẹ càng trở nên quan trọng khi các phương pháp điều trị khác không còn hiệu quả, khả thi hoặc phù hợp nữa.

Trong hoàn cảnh cần thiết, chăm sóc giảm nhẹ nên được dùng cho cả gia quyến sau khi người bệnh mất, nhằm hỗ trợ thân nhân vượt qua nỗi đau mất mát.

Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư dạ dày

Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư dạ dày phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như:

  • Vị trí, kích thước khối u của ung thư trong dạ dày.
  • Tình trạng xâm lấn, di căn của ung thư.
  • Tình trạng sức khỏe của người bệnh.
  • Nguyện vọng điều trị của người bệnh.

Các bác sĩ sau khi chẩn đoán, xác định tình trạng bệnh ung thư dạ dày có chữa được không và lựa chọn các phương pháp, phác đồ điều trị phù hợp cho mỗi người bệnh.

Trên đây là bài viết trả lời cho thắc mắc liệu “ung thư dạ dày có chữa được không?”. Mặc dù là một trong những bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao, nhưng ung thư dạ dày vẫn có thể được điều trị khỏi nếu người bệnh phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm. Vì vậy, mỗi người nên có lịch trình khám sức khỏe định kỳ và chủ động đến khám tại các cơ sở y tế khi xuất hiện những triệu chứng bất thường, giúp chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.