Cách điều trị ung thư hậu môn phổ biến – Bệnh có chữa được không?

Ung thư hậu môn có chữa được không? Có những cách điều trị ung thư hậu môn nào? được nhiều người quan tâm khi nhận được kết quả chẩn đoán mắc ung thư. Nếu được phát hiện sớm và tiếp cận đúng cách điều trị, bệnh thường có tiên lượng khá khả quan.

ung thư hậu môn có chữa được không

Bệnh ung thư hậu môn có chữa được không?

Theo thống kê, có 80% trường hợp chẩn đoán mắc mới ung thư hậu môn đều gặp ở những người trên 60 tuổi. Với các trường hợp bệnh nhân dưới 35 tuổi, số liệu chỉ ra nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với nữ giới. Tuy nhiên đối với những trường hợp bệnh nhân trên 50 tuổi, tỷ lệ mắc ở nữ giới cao hơn. Cũng theo thống kê, tỷ lệ nam giới độc thân mắc ung thư hậu môn cao gấp 6 lần nam giới đã lập gia đình. (1)

Thống kê từ chương trình SEER (Surveillance, Epidemiology, and End Results: Chương trình Giám sát, Dịch tễ học và Kết quả cuối cùng của Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ) thu thập các dữ liệu từ các loại ung thư cho biết giai đoạn ung thư được chia thành 3 thời kỳ:

  • Tại chỗ: Tế bào ung thư phát triển khu trú tại hậu môn.
  • Tại vùng: Ung thư lan rộng các cấu trúc, mô lân cận hoặc di căn hạch bạch huyết vùng.
  • Di căn xa: Ung thư di căn xa đến các hạch bạch huyết xa hoặc di căn tới cơ quan khác như phổi, gan…

Theo thống kê chương trình SEER 2013-2019, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư hậu môn phân theo giai đoạn được đánh giá như sau:

  • Ung thư hậu môn giai đoạn tại chỗ: 83,7%.
  • Ung thư hậu môn giai đoạn tiến triển tại chỗ – tại vùng: 67,7%.
  • Ung thư hậu môn giai đoạn di căn: 36,2%.
tiên lượng điều trị ung thư hậu môn
Ung thư hậu môn giai đoạn tại chỗ có tỷ lệ sống sau 5 năm khả quan

Tuy nhiên tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư hậu môn nói riêng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, tinh thần, khả năng đáp ứng phương pháp điều trị…

Hướng dẫn cách điều trị ung thư hậu môn

Các phương pháp điều trị đối với bệnh nhân bị ung thư hậu môn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: tổng trạng sức khỏe, người bệnh mắc những bệnh lý đi kèm nào, tình trạng dinh dưỡng, kết quả giải phẫu bệnh, giai đoạn ung thư, trạng thái tinh thần và nguyện vọng của bệnh nhân, gia đình.

Hiện nay, các hướng dẫn điều trị ung thư từ Bộ Y tế và các hiệp hội ung thư trên thế giới đều nhấn mạnh việc phối hợp nhiều phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… (còn gọi là điều trị đa mô thức) đóng vai trò quan trọng. Phối hợp các liệu pháp điều trị nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị ung thư. Đồng thời, kế hoạch điều trị còn tùy thuộc từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, mang tính cá thể hóa. (2)

điều trị ung thư hậu môn
Điều trị ung thư hậu môn theo hướng đa mô thức, cá thể hóa nhằm tối ưu hiệu quả

Carcinoma tế bào gai

Ung thư ống hậu môn:

  • Xạ trị: Phương pháp xạ trị sử dụng các chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Thời gian xạ trị thường kéo dài từ 5-6 tuần tùy thuộc đặc điểm và sức khỏe của mỗi bệnh nhân. (3)

Một số cách điều trị ung thư hậu môn bằng kỹ thuật xạ trị được áp dụng trong điều trị ung thư hậu môn như:

    • Kỹ thuật xạ trị ba chiều theo hình dạng khối u (Three-dimensional conformal radiation therapy, 3D-CRT): Đối với kỹ thuật xạ trị này, hình ảnh 3 chiều chi tiết của khối u được xác định, từ thông tin của chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI). Việc sử dụng các hình ảnh này cho phép lên kế hoạch xạ trị chính xác.
    • Xạ trị điều biến liều (Intensity modulated radiation therapy, IMRT): Đây là một biến thể phức tạp từ kỹ thuật xạ trị 3D-CRT. Không giống như kỹ thuật xạ trị 3D-CRT thông thường trong đó cường độ các chùm tia là không đổi, trong kỹ thuật IMRT, cường độ xạ trị trong mỗi chùm tia được thay đổi. Kỹ thuật IMRT nhắm chùm tia bức xạ vào khối u và tránh các mô lành tốt hơn so với kỹ thuật 3D-CRT thông thường.
    • Xạ trị lập thể định vị thân (Stereotactic body radiation therapy – SBRT): Đây là kỹ thuật xạ trị công nghệ cao sử dụng nhiều chùm tia để cung cấp một liều bức xạ rất cao cho mô đích và giảm liều nhanh chóng cho các mô lân cận. Kỹ thuật xạ trị này có độ chính xác rất cao từ việc đặt tư thế và cố định bệnh nhân cho đến việc cấp liều.
    • Hóa – xạ trị đồng thời: Phương pháp kết hợp hóa trị – xạ trị được chỉ định với các trường hợp ung thư giai đoạn 1, 2, 3. Mục tiêu chính cần đạt được là bảo tồn cơ thắt hậu môn, với hy vọng giữ được khả năng đi đại tiện qua đường hậu môn ở người bệnh. Tùy thuộc vào khả năng đáp ứng sau hóa-xạ trị, bác sĩ sẽ lựa chọn điều trị bước sau với các phương pháp điều trị khác. Các biến chứng có thể gặp do xạ trị bao gồm: mệt mỏi, phản ứng da từ mức độ nhẹ đến vừa, rối loạn tiêu hóa, cảm giác khó chịu khi đi vệ sinh. (4)
  • Hóa trị: Phương pháp này được chỉ định với các trường hợp ung thư giai đoạn cuối (4). Trong điều trị ung thư hậu môn, phác đồ hóa trị thường kết hợp nhiều loại thuốc nhằm cải thiện hiệu quả điều trị. Tùy đáp ứng sau hóa trị của người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn kết hợp thêm với các phương pháp điều trị khác (hóa – xạ trị đồng thời hoặc liệu pháp miễn dịch). Các tác dụng phụ của hóa trị bệnh nhân ung thư hậu môn có thể gặp: mệt mỏi, nôn và buồn nôn, rụng tóc, chán ăn, tiêu chảy…
  • Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch hoạt động bằng cách sử dụng hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân để chống lại ung thư. Liệu pháp điều trị miễn dịch thường được chỉ định cho những người mắc ung thư hậu môn giai đoạn tiến triển.
  • Phẫu thuật: Chỉ định phẫu thuật hậu môn ngay từ đầu rất ít gặp, có thể bao gồm:
    • Phẫu thuật mở hậu môn nhân tạo: có thể xem xét mở hậu môn nhân tạo trước khi bắt đầu quá trình hóa-xạ trị để tránh những tác dụng phụ do xạ trị; hoặc trường hợp bệnh ở giai đoạn tiến triển, tái phát.
    • Phẫu thuật cắt cụt trực tràng đường bụng và tầng sinh môn (abdominoperineal resection – APR) trong trường hợp bệnh nhân chống chỉ định xạ trị vùng tiểu khung (bệnh nhân từng xạ trị vùng chậu trước đó, ví dụ: ung thư cổ tử cung); hoặc bệnh giai đoạn tiến triển, tái phát sau hóa-xạ trị.
  • Chăm sóc giảm nhẹ:
    • Chăm sóc giảm nhẹ là một mô thức điều trị trong việc phối hợp điều trị đa mô thức, có vai trò quan trọng và phối hợp với các mô thức điều trị khác như: phẫu trị, xạ trị, hóa trị… trong suốt quá trình điều trị của bệnh nhân, mục đích là giúp bệnh nhân có được một cuộc sống chất lượng, dễ chịu hơn.
    • Chăm sóc giảm nhẹ có thể tiến hành tại nhà hay tại bệnh viện, và được thực hiện bởi một đội ngũ chuyên trách được đào tạo cẩn thận bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, nhân viên công tác xã hội, tình nguyện viên và người nhà bệnh nhân. Tất cả công việc tập trung vào việc giảm nhẹ các triệu chứng như: đau, khó thở, mệt, táo bón, buồn nôn, cảm giác ăn không ngon miệng, trầm cảm… giúp bệnh nhân tăng khả năng chịu đựng các phương pháp điều trị, giúp hỗ trợ trong các sinh hoạt hàng ngày và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. (5)

Ung thư da quanh hậu môn:

  • Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt rộng sang thương với diện cắt cách bướu ≥ 1cm nếu T1, N0, biệt hóa tốt, trung bình; hoặc T2 (chưa xâm lấn cơ thắt hậu môn), N0. Tùy yếu tố nguy cơ dựa vào kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật (diện cắt dương tính…), bệnh nhân có thể được điều trị phẫu thuật lại hoặc thực hiện hóa-xạ trị đồng thời.
  • Hóa-xạ trị đồng thời: Chỉ định trong hầu hết các trường hợp ung thư hậu môn T1, N0, biệt hóa kém; hoặc T2-4, N0; hoặc T bất kỳ, N1. Tùy đáp ứng sau hóa-xạ trị mà bác sĩ sẽ lựa chọn kết hợp thêm với các phương pháp điều trị khác.
  • Hóa trị: thường được chỉ định với các trường hợp ung thư giai đoạn cuối (4). Trong điều trị ung thư hậu môn, phác đồ hóa trị thường kết hợp nhiều thuốc khác nhau để làm tăng hiệu quả điều trị. Tùy đáp ứng sau hóa trị mà sẽ lựa chọn kết hợp thêm với phương pháp hóa-xạ trị đồng thời hoặc liệu pháp miễn dịch. Các tác dụng phụ của hóa trị người bệnh có thể gặp: mệt mỏi, nôn và buồn nôn, rụng tóc, ăn không ngon, tiêu chảy…

Carcinoma tuyến

Được khuyến cáo điều trị giống như một trường hợp ung thư trực tràng đoạn thấp.

Tác dụng phụ của điều trị ung thư hậu môn

Một số cách điều trị ung thư hậu môn có thể kèm theo các tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ thường gặp bao gồm:

  • Cảm giác buồn nôn hay nôn;
  • Suy nhược cơ thể, mệt mỏi;
  • Rụng tóc, sạm da;
  • Viêm loét niêm mạc miệng;
  • Tiêu chảy;
  • Thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu;
  • Viêm da, đỏ da, lở loét trong và xung quanh hậu môn, làm cứng và co rút ống hậu môn;
  • Viêm trực tràng sau xạ: tăng tiết dịch, xuất huyết, kích thích hậu môn trực tràng, mót rặn;
  • Rò trực tràng với âm đạo, bàng quang, đáy chậu.
bác sĩ tư vấn điều trị ung thư hậu môn
Nếu tác dụng phụ sau điều trị ảnh hưởng nặng nề, làm suy giảm chất lượng cuộc sống, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ điều trị

Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ điều trị nếu các tác dụng phụ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần trong quá trình điều trị để bác sĩ có hướng xử trí, chăm sóc giảm nhẹ phù hợp.

Tại khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh, quá trình chăm sóc giảm nhẹ được thực hiện trong suốt quá trình điều trị và sau điều trị cả về mặt thể chất và tâm lý, cho người bệnh và cả thân nhân với sự đồng hành của các chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm và thấu hiểu tâm lý người bệnh. Nhờ thế, quá trình điều trị của bệnh nhân trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn rất nhiều, người bệnh lạc quan, tuân thủ điều trị cho kết quả khả quan hơn.

Để đặt lịch khám, tư vấn, tầm soát và điều trị ung thư hậu môn tại BVĐK Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ qua thông tin sau:

Ung thư hậu môn tuy là loại ung thư ít phổ biến, đứng hàng 25  trong số các bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam. Tuy nhiên K hậu môn ngày càng có xu hướng trẻ hóa do các yếu tố nguy cơ, thói quen sinh hoạt tình dục thiếu lành mạnh… Mỗi bệnh nhân ung thư hậu môn là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai, do đó việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác biệt. Vì vậy để lựa chọn cách điều trị ung thư hậu môn hiệu quả, bệnh nhân và gia đình cần chủ động trao đổi với bác sĩ để có được tư vấn phù hợp nhất.