Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp đúng cách

Chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp đúng cách giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng, vết thương mau lành, ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Vậy cần chăm sóc như thế nào? Cách phòng ngừa ung thư tuyến giáp tái phát ra sao? Bài viết sau đây của thạc sĩ bác sĩ CKII Đoàn Minh Trông, Đơn vị Đầu mặt cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ giải đáp các thắc mắc trên.

chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp

Tầm quan trọng của việc chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Việc chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp có vai trò quan trọng trong việc hồi phục của người bệnh cũng như ngăn ngừa tái phát sau điều trị.

Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp chi tiết

Nếu chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp không đúng cách có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh. Vì vậy, người bệnh cần được chăm sóc theo các chế độ sau:

1. Chăm sóc vết mổ

Chăm sóc vết mổ đúng cách giúp vết thương mau lành, ngừa nhiễm khuẩn và người bệnh hồi phục nhanh hơn. Một số lưu ý khi chăm sóc vết thương vùng cổ sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp như: (1)

  • Vệ sinh vết mổ: thay băng gạc và sát trùng vùng da cổ bằng cồn y tế mỗi ngày. Trong vòng 7 ngày đầu sau phẫu thuật hoặc cho đến khi cắt chỉ, người bệnh cần tránh để vết mổ tiếp xúc trực tiếp với nước và khói bụi.
  • Lưu ý khi tắm: bác sĩ thường cho phép người bệnh tắm sau 3 – 5 ngày làm phẫu thuật. Lúc tắm, người bệnh cần tránh để nước tiếp xúc trực tiếp vào vết mổ bằng cách dùng khăn che kín vùng cổ. Trường hợp muốn dùng xà phòng để vệ sinh vùng da gần vết mổ, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ, nhưng chỉ nên sử dụng xà phòng dịu nhẹ, không mùi và rửa thật nhẹ nhàng.
  • Làm quen với cơn đau: sau khi mổ, vùng da cổ thường bầm tím nhẹ trong 1 tuần và cảm giác đau nhẹ không thường xuyên, đôi khi kéo dài 1 tháng. Triệu chứng này hoàn toàn bình thường và cơn đau sẽ thuyên giảm theo thời gian.
  • Theo dõi vết thương: theo dõi vết mổ hàng ngày để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng như: đỏ, đau rát, sưng hoặc có mủ chảy ra từ vết mổ. Nếu có các dấu hiệu trên, người bệnh phải liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và điều trị sớm.
  • Bảo vệ vết mổ: hạn chế chạm tay vào vết thương. Trong 4 tuần đầu tiên sau mổ, khi ho, hắt hơi hoặc tắm vòi hoa sen, người bệnh không nên ngửa mặt lên để tránh làm căng vết mổ và gây đau. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên để thú cưng liếm hay cào vào vùng cổ.
  • Dưỡng da vùng cổ: sử dụng các loại kem bôi chứa nhiều collagen, peptides và vitamin C giúp da nhanh liền sẹo. Tuy nhiên, người bệnh nên chọn loại kem dưỡng da không có phẩm màu, hương liệu… để ngừa kích ứng. Người bệnh có thể bắt đầu bôi ở tuần thứ 5 sau phẫu thuật.
lợi ích của chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp
Chăm sóc vết mổ đúng cách giúp vết thương mau lành, ngừa nhiễm khuẩn và người bệnh hồi phục nhanh hơn.

2. Chế độ dinh dưỡng

Người bệnh cần tuân thủ 10 nguyên tắc dinh dưỡng để chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp đúng cách:

  • Ăn đủ calo: người bệnh nên ăn từ 25–40 kcal/kg cơ thể mỗi ngày. Trường hợp đau rát cổ họng kéo dài, gây khó khăn trong ăn uống, người bệnh nên ăn thức ăn lỏng (cháo, súp, sữa,…) và cố gắng nạp ít nhất 50% khẩu phần ăn lúc bình thường để tránh bị suy dinh dưỡng.
  • Chia khẩu phần thành 8–10 bữa: cách này giúp người bệnh no lâu, giữ mức năng lượng ổn định cả ngày dài và hạn chế đau rát cổ do phải ăn quá nhiều trong 1 cữ.
  • 190–220gr tinh bột phức hợp mỗi ngày: người bệnh nên ưu tiên ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (trái cây tươi ít đường, rau củ) và tinh bột phức hợp (các loại đậu, hạt, ngũ cốc) thay vì tinh bột nhanh (bánh mì, gạo trắng, trái cây sấy khô…). Từ đó giúp người bệnh no lâu và ngăn ngừa các biến chứng như: thừa cân, tiểu đường,… vốn có thể thúc đẩy ung thư tái phát.
  • 25–38gr chất xơ mỗi ngày: chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón, triệu chứng này rất phổ biến do người bệnh phải uống nhiều thuốc kháng viêm sau phẫu thuật. Những nguồn chất xơ dồi dào tốt cho người bệnh ung thư tuyến giáp như: các loại củ, rau lá xanh đậm (rau cải), các loại khoai, ngũ cốc nguyên hạt, đậu và hạt.
  • 60–70gr protein mỗi ngày: protein giúp tăng cường sản xuất collagen, từ đó phục hồi các mô và tăng sinh tế bào mới. Nguồn protein tốt có nhiều trong thịt gia cầm bỏ da, các loại đậu, trứng gà, vịt, cá, thủy hải sản và sữa tách béo.
  • 30–40gr chất béo tốt mỗi ngày: chất béo tốt (omega 3, 6, 9) có công dụng kháng viêm và ngừa ung thư tái phát. Người bệnh bổ sung chất béo tốt bằng cách sử dụng dầu thực vật, các loại hạt, quả bơ, mỡ cá béo,… thay vì dầu ăn công nghiệp và mỡ gia súc/gia cầm.
  • Lựa chọn thực phẩm dễ nuốt: ưu tiên các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như: canh, súp, món hầm, cháo… để giảm cảm giác đau rát ở cổ.
  • Tiêu thụ i-ốt vừa phải: ăn quá nhiều hay quá ít i-ốt đều làm tăng nguy cơ tái phát ung thư tuyến giáp. Vì vậy, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về hàm lượng thích hợp. I-ốt có nhiều trong hải sản, muối tinh chế (có bổ sung i-ốt), các loại rau lá xanh, sữa…
  • Uống đủ nước: uống đủ 1.5–2 lít nước để thanh lọc độc tố, tạo thể trạng hoạt động tốt nhất cho cơ thể và rút ngắn thời gian phục hồi.
  • Kiêng thực phẩm cay, nóng và nhiều dầu mỡ: người bệnh không nên ăn đồ ăn chế biến sẵn, cay, nóng, chua, lên men hoặc để qua đêm, nhiều dầu mỡ, quá mặn hoặc ngọt, có chất bảo quản, rượu bia và thực phẩm còn tươi sống (thịt sống, thịt tái, trứng lòng đào…). Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đóng vai trò quan trọng. Từ đó ngừa các biến chứng nguy hiểm như: thừa cân – béo phì, rối loạn tiêu hóa, tiểu đường, tăng huyết áp… có nguy cơ kích thích ung thư tái phát.
chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp đúng cách
Người bệnh nên ăn thức ăn lỏng (cháo, súp, sữa,…), cố gắng nạp ít nhất 50% khẩu phần lúc bình thường để tránh bị suy dinh dưỡng.

3. Sinh hoạt và vận động

Sau phẫu thuật, người bệnh cần thay đổi chế độ sinh hoạt để giúp vết thương nhanh lành, cơ thể mau hồi phục và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Cụ thể:

  • Ngủ đủ giấc: ngủ ít nhất 8 tiếng/ngày, trong những tuần đầu sau phẫu thuật, điều này càng quan trọng vì cơ thể cần nghỉ ngơi để nhanh hồi phục.
  • Vận động nhẹ nhàng: sau phẫu thuật, người bệnh nên đi dạo trong nhà để khí huyết lưu thông, vết thương mau lành.
  • Tập chuyển động cổ: sau khi được tháo chỉ (khoảng 7 ngày sau phẫu thuật), người bệnh có thể tập các bài tập chuyển động cổ nhẹ nhàng (quay sang trái, phải, lên, xuống) để cơ thể làm quen dần với các kích thích chuyển động tại vùng cổ.
  • Tập thể dục nhẹ: khi cơ thể đã hồi phục (ít nhất 4 tuần sau phẫu thuật), người bệnh có thể thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng như: yoga, chạy bộ, thể dục nhịp điệu… để cải thiện sức khỏe tổng thể. Lưu ý, người bệnh không nên tập những bài tập nâng tạ hay vận động quá mạnh để tránh động vết mổ.

4. Theo dõi sức khỏe

Người bệnh nên tự theo dõi sức khỏe của bản thân, khả năng hồi phục còn tùy vào mức độ và loại phẫu thuật đã thực hiện. Thời gian hồi phục sau phẫu thuật mở cũng như truyền thống sẽ lâu hơn so với các thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Đồng thời, sau khi phẫu thuật kết thúc, người bệnh có thể gặp các biến chứng sau đây:

  • Sau phẫu thuật, các tuyến cận giáp bị tổn thương dẫn đến lượng canxi trong máu thấp. Vấn đề này chỉ mang tính chất tạm thời và được điều trị bằng cách bổ sung canxi trong vài ngày. Các dấu hiệu của tình trạng này bao gồm: tê và cảm giác ngứa ran ở bàn tay, lòng bàn chân và môi; cảm giác như kiến bò trên da; co thắt cơ và chuột rút; lo lắng, đau đầu và trầm cảm.
  • Vùng cổ cũng có nguy cơ sưng, có cảm giác cứng và tê ngay sau khi phẫu thuật. Tình trạng này bình thường và dần thuyên giảm khi vết thương lành hẳn. Khi không gặp khó khăn trong việc quay đầu (khoảng 1 tuần), người bệnh có thể lái xe, chơi các môn thể thao không tiếp xúc. Bác sĩ vật lý trị liệu thường khuyên người bệnh nên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng ở vùng cổ và vai sau khi phẫu thuật để khôi phục chức năng vận động.
  • Khi cổ còn cứng và đau sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, người bệnh nên ăn thức ăn mềm và dễ nuốt. Người bệnh cần ăn chậm và uống bổ sung nước trong và sau bữa ăn tránh tắc nghẽn ở vùng hầu họng.
sau mổ ung thư tuyến giáp nên tái khám định kỳ
Sau khi kết thúc điều trị, người bệnh nên đi tái khám bệnh 3-6 tháng/lần tại các đơn vị Đầu Mặt Cổ uy tín.

Cách trở lại cuộc sống hàng ngày sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp là một trong những cách giúp người bệnh trở lại cuộc sống hàng ngày. Đa số người bệnh điều trị bằng cách cắt toàn bộ tuyến giáp, cần dùng thuốc thay thế tuyến giáp (thyroxine) suốt đời.

Nếu không có sự thay thế này, người bệnh cảm thấy khó tập trung, mệt mỏi, trầm cảm, hay quên, tăng cân quá mức hoặc không rõ nguyên nhân, da thô, ngứa, tóc khô, rụng nhiều, cảm giác lạnh chủ yếu ở bàn chân và bàn tay, táo bón, chuột rút cơ, đau khớp, ham muốn tình dục thấp, tần suất kinh nguyệt thường xuyên hơn.

Thuốc thay thế hormone tuyến giáp nhỏ và dễ uống. Bác sĩ sẽ kiểm tra mức hormone giáp trong máu thường xuyên và điều chỉnh liều lượng thyroxine cho đến khi đạt mức độ phù hợp với người bệnh.

Một số biến chứng có thể gặp sau mổ

Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp, người thân nên chú ý vì người bệnh rất dễ gặp những biến chứng tiêu cực liên quan đến giọng nói, hệ bạch huyết và nồng độ canxi, cụ thể: (2)

khám ung thư miễn phí

1. Thay đổi giọng nói

Phẫu thuật ung thư tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến các dây thanh quản, dẫn đến thay đổi giọng nói. Biến chứng này thường tạm thời và giọng nói được phục hồi sau 2 – 4 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, biến đổi giọng nói có thể kéo dài lâu hơn 1 tháng. Lúc này, các triệu chứng có thể bao gồm: giọng trầm khàn, yếu hoặc mất kiểm soát cao độ. Nếu gặp các triệu chứng kể trên, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra kịp thời.

2. Thiếu hormone tuyến giáp

Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, nếu toàn bộ tuyến giáp của người bệnh đã được loại bỏ, cơ thể sẽ không thể sản xuất đủ hormone thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3), gây suy giáp (hypothyroidism). Triệu chứng có thể bao gồm: mệt mỏi, tăng cân, da khô, sa sút trí nhớ và trầm cảm. Để khôi phục lại nồng độ hormone, người bệnh phải tái khám định kỳ và dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp theo chỉ định của bác sĩ. (3)

3. Nồng độ canxi trong máu thấp

Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, nồng độ canxi trong máu có thể hạ thấp do tổn thương tuyến cận giáp (một tuyến nhỏ nằm bên trong tuyến giáp), nơi sản xuất hormone điều chỉnh hàm lượng canxi trong cơ thể. Từ đó gây tụt canxi huyết (hypocalcemia), bao gồm các triệu chứng: cảm giác tê bì chân tay, chuột rút và co giật cơ bắp.

Trong trường hợp nghiêm trọng, tụt canxi huyết có thể gây rối loạn nhịp tim. Khi xuất hiện các triệu chứng kể trên, người bệnh có thể dùng thuốc bổ sung canxi và vitamin D để giữ cân bằng mức canxi trong cơ thể.

4. Phù bạch huyết

Phù bạch huyết là một biến chứng khá hiếm gặp sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp. Tình trạng này xảy ra khi các tia bạch huyết xung quanh tuyến giáp bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật, chất lỏng có thể tích tụ và gây phù ở cổ.

Các triệu chứng bao gồm: cảm giác khó chịu hoặc đau ở cổ, sưng cổ và có thể gặp khó khăn trong việc nuốt hoặc hít thở. Nếu nghi ngờ bản thân bị phù hạch bạch huyết, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và điều trị sớm. Trong một số trường hợp, có thể cần thêm phẫu thuật để cải thiện tình trạng sưng phù.

5. Nhiễm trùng vết thương

Không riêng gì phẫu thuật ung thư tuyến giáp, nhiễm trùng vết thương là biến chứng có thể xảy ra sau bất kỳ phẫu thuật nào. Triệu chứng của vết thương nhiễm trùng bao gồm: đỏ rát, sưng đau, mưng mủ ở vết mổ; đôi khi kèm theo sốt và cảm giác mệt mỏi hơn bình thường.

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào kể trên, bạn cần liên hệ với bác sĩ để tránh để tình trạng nhiễm trùng thêm nghiêm trọng. Lúc này, phương pháp điều trị thường là dùng kháng sinh, bảo vệ và chăm sóc vết thương cẩn thận.

Cách phòng ngừa ung thư tuyến giáp tái phát sau phẫu thuật

Để ngừa ung thư tuyến giáp tái phát, việc đầu tiên là loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, các tế bào bị tác động và các hạch bạch huyết. (4)

Đặc biệt, với người bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa di căn hạch, cần phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp và vét hạch cổ. Sau phẫu thuật, việc điều trị bằng iod 131 rất quan trọng trong việc giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp tái phát tại chỗ.

Sau khi kết thúc điều trị, người bệnh nên tái khám khoảng 3-6 tháng/lần tại các đơn vị Đầu Mặt Cổ uy tín. Người bệnh được chỉ định chụp X-quang, xạ hình phát hiện di căn, định lượng hormon tuyến giáp để có thể theo dõi diễn tiến của bệnh và điều trị kịp thời.

Về chế độ ăn uống, người bệnh từng bị ung thư tuyến giáp cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và đúng bữa. Người bệnh có thể ăn uống theo sở thích nhưng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chọn thực phẩm giàu canxi.

Ngoài ra, cần tránh thức ăn cay, nóng, dầu mỡ và những chất kích thích tim mạch (rượu, bia, cà phê). Trong một số trường hợp, người bệnh bị hạ canxi máu sau khi mổ tuyến giáp, nên trao đổi với bác sĩ để theo dõi và điều trị tình trạng này.

Đơn vị Đầu Mặt Cổ, BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong tư vấn, thăm khám, điều trị và chăm sóc toàn diện cho người bệnh ung thư vùng đầu cổ (ung thư vòm hầu, ung thư vùng hốc miệng, ung thư vùng hốc mũi…); các bệnh lành tính ở đầu mặt cổ; bệnh lành tính và ác tính của tuyến nước bọt, tuyến giáp.

Đơn vị Đầu Mặt Cổ được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại kết hợp phác đồ điều trị tiên tiến, là địa chỉ chăm sóc sức khỏe toàn diện, giúp người bệnh nhanh hồi phục và cải thiện chất lượng sống.

Chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp đúng cách bao gồm việc chăm sóc vết mổ tốt; chế độ dinh dưỡng hợp lý; sinh hoạt và vận động với tần suất phù hợp và theo dõi sức khỏe thường xuyên. Có vậy, người bệnh mới hồi phục nhanh, ít gặp biến chứng nguy hiểm và giảm nguy cơ tái phát.