Tầm soát ung thư hậu môn: Phương pháp và quy trình sàng lọc

Ung thư hậu môn tuy là loại ung thư ít phổ biến, nhưng ngày càng có xu hướng trẻ hóa do các yếu tố nguy cơ, thói quen sinh hoạt tình dục thiếu lành mạnh. Tầm soát ung thư hậu môn là cách giúp phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn sớm, chưa có nhiều triệu chứng rõ ràng, giúp nâng cao hiệu quả điều trị thành công ở bệnh nhân ung thư.

tầm soát ung thư hậu môn

Tầm soát ung thư hậu môn là gì?

Tầm soát ung thư hậu môn là việc thực hiện các phương pháp chẩn đoán, bao gồm khai thác bệnh sử về thời gian các triệu chứng xuất hiện, tiền căn nhiễm HIV, viêm đại tràng hoặc xạ trị trước kia, thói quen sinh hoạt tình dục… Sau khi khai thác thông tin bệnh sử và thói quen sinh hoạt, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và đưa ra chỉ định cận lâm sàng nhằm chẩn đoán bệnh ung thư hậu môn, giúp phát hiện ung thư càng sớm càng tốt. Tầm soát ung thư hậu môn thường không khuyến nghị cho tất cả mọi người, bởi đây là loại ung thư ít phổ biến. (1)

Các phương pháp tầm soát ung thư hậu môn

Để chẩn đoán bệnh, sau khi khai thác tình trạng bệnh sử cá nhân và gia đình, các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như sau: (2)

  • Khám hậu môn – trực tràng bằng tay: Bác sĩ sẽ dùng tay đưa vào ống hậu môn – trực tràng để thăm khám, mục đích kiểm tra, tìm kiếm các dấu hiệu bất thường trong ống hậu môn. Phương pháp thăm khám này thường được thực hiện đối với trường hợp nam giới trên 50 tuổi và khi khám tiểu khung đối với nữ giới.
khám tầm soát bệnh ung thư hậu môn
Khám hậu môn, trực tràng là phương pháp kiểm tra thường được chỉ định nhằm tìm kiếm các dấu ấn bất thường.
  • Xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung): Các nghiên cứu đã chứng minh nhiễm HPV (human papillomavirus) là yếu tố nguy cơ của ung thư hậu môn. Quan hệ tình dục với người nhiễm virus u nhú ở người (HPV) là đường lây truyền phổ biến nhất. Xét nghiệm Pap được phát minh và đặt theo tên của bác sĩ lỗi lạc người Hy Lạp, Georgios Nikolaou Papanikolaou (1883-1962). Xét nghiệm Pap hay còn gọi là xét nghiệm Pap smear hoặc phết tế bào cổ tử cung. Đây là loại xét nghiệm phổ biến nhất được chỉ định thực hiện để phát hiện và tìm kiếm sớm những thay đổi trong các tế bào có thể dẫn đến. Một số tế bào được thu thập từ cổ tử cung trong xét nghiệm Pap sẽ được xét nghiệm tìm HPV.
  • Xét nghiệm máu: Ở những người suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, người ghép tạng, người dùng các thuốc ức chế miễn dịch đều có nguy cơ mắc ung thư hậu môn cao. Do đó, việc xét nghiệm máu (kiểm tra HIV) có vai trò trong việc tầm soát bệnh.
  • Nội soi ống hậu môn: Phương pháp này giúp đánh giá trực tiếp tổn thương và sinh thiết khi có tổn thương nghi ngờ. Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ sử dụng ống soi hậu môn để quan sát ống hậu môn, giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường.
  • Sinh thiết: Phương pháp này giúp chẩn đoán xác định bệnh. Sinh thiết thực hiện trong khi nội soi ống hậu môn có tổn thương nghi ngờ. Mẫu mô này sẽ được phân tích tại phòng thí nghiệm của khoa giải phẫu bệnh. Quá trình này nhằm xác định tính chất khối u là u ác tính hay lành tính.
  • Siêu âm qua ngả hậu môn: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này giúp đánh giá tình trạng hạch vùng.
  • Siêu âm ổ bụng: Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này được chỉ định nhằm đánh giá tình trạng ổ bụng hoặc siêu âm nội soi giúp đánh giá xâm lấn của ung thư tới các lớp của ống hậu môn.
  • Chụp X-quang phổi, chụp cắt lớp vi tính toàn thân (CT-scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này nhằm đánh giá mức độ xâm lấn của bướu và tình trạng di căn xa.
  • Chụp PET/CT: PET/CT dùng để đánh giá mức độ lan rộng của bướu, di căn hạch vùng và di căn xa. Ngoài ra, kỹ thuật này còn dùng để đánh giá đáp ứng sau điều trị.
nội soi tầm soát ung thư hậu môn
Nội soi hậu môn, đại trực tràng là một trong những phương pháp tầm soát ung thư hậu môn

Vì sao nên sàng lọc ung thư hậu môn sớm?

Ung thư hậu môn là một trong những loại ung thư ít gặp. Theo số liệu từ Globocan 2020, trên thế giới có khoảng 50.865 ca mới mắc và 19.293 ca tử vong do ung thư hậu môn. Tại Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy ung thư hậu môn đứng thứ 25 trong các loại ung thư thường gặp với hơn gần 579 ca mới mắc, 321 trường hợp tử vong mỗi năm và tỷ lệ mắc là 1,45/100.000 dân.

Thống kê từ chương trình SEER (Surveillance, Epidemiology, and End Results: Chương trình Giám sát, Dịch tễ học và Kết quả cuối cùng của Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ) thu thập các dữ liệu từ các loại ung thư cho biết giai đoạn ung thư được chia thành 3 thời kỳ:

  • Tại chỗ: Tế bào ung thư phát triển khu trú tại hậu môn, chưa lan rộng các mô, cơ quan lân cận.
  • Tại vùng: Ung thư xâm lấn các mô, cấu trúc lân cận hoặc di căn hạch bạch huyết vùng.
  • Di căn xa: Ung thư di căn xa đến các hạch bạch huyết xa, hoặc đến các cơ quan khác trong cơ thể như phổi, gan…

Theo thống kê, tỷ lệ sống còn sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư hậu môn phân theo giai đoạn được đánh giá như sau (theo SEER 2013-2019):

  • Ung thư hậu môn giai đoạn tại chỗ: 83,7%.
  • Ung thư hậu môn giai đoạn tiến triển tại chỗ – tại vùng: 67,7%.
  • Ung thư hậu môn giai đoạn di căn: 36,2%.

Ung thư hậu môn giai đoạn đầu thường không có các biểu hiện, triệu chứng rõ ràng và có thể chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh rối loạn về đường tiêu hóa, bệnh trĩ hoặc hội chứng ruột kích thích (IBS).

Việc tầm soát sớm ung thư hậu môn đóng vai trò quan trọng đối với kết quả điều trị cuối cùng. Phát hiện càng sớm, tỷ lệ điều trị ung thư hậu môn thành công càng cao. Tuy nhiên nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ, bệnh nhân cũng không cần quá lo lắng. Việc tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, tinh thần, khả năng đáp ứng phương pháp điều trị… Đồng thời các số liệu thống kê mang tính chất tham khảo. Người bệnh cần tuân theo phác đồ điều trị đã được lên kế hoạch, có thể trao đổi thêm với bác sĩ điều trị chính để trao đổi, tư vấn chi tiết. (3)

Ai nên tầm soát ung thư hậu môn?

Theo thống kê, có 80% trường hợp chẩn đoán mới ung thư hậu môn đều gặp ở những người trên 60 tuổi. Trong đó đối với người trước 35 tuổi, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với nữ giới. Tuy nhiên đối với những người trên 50 tuổi, tỷ lệ mắc ung thư hậu môn ở nữ giới cao hơn. Và cũng theo thống kê, nam giới độc thân có tỷ lệ mắc ung thư hậu môn cao gấp 6 lần  nam giới đã lập gia đình.

Cho đến nay, nguyên nhân gây ung thư hậu môn vẫn chưa được xác định chính xác do có nhiều nhóm yếu tố nguy cơ được tìm thấy ở bệnh nhân. BS.CKI Nguyễn Chí Thanh nêu một số nguyên nhân có thể gặp gồm: (4)

  • Suy giảm miễn dịch: Người bị suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, người ghép tạng, người dùng các thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ mắc ung thư hậu môn cao.
  • Quan hệ tình dục không an toàn (quan hệ qua đường hậu môn hoặc có nhiều bạn tình): Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm virus u nhú ở người HPV và ung thư hậu môn do có thể làm xước, rách niêm mạc, chảy máu. Do đó cần thực hiện các biện pháp quan hệ an toàn, chung tình và hạn chế quan quan hệ qua đường hậu môn.
  • Nhiễm virus u nhú ở người HPV: Các nghiên cứu đã chứng minh nhiễm virus u nhú HPV là yếu tố nguy cơ cao của ung thư hậu môn. Trong đó, quan hệ tình dục với người nhiễm virus u nhú ở người HPV là đường lây truyền phổ biến nhất. Do vậy mỗi người cần tiêm vắc xin HPV, kết hợp quan hệ tình dục an toàn để giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm virus HPV.
  • Hút thuốc lá: Đây là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, trong đó có ống hậu môn. Người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư hậu môn tăng gấp 8 lần so với người không hút thuốc. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá là cách bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
  • Rò hậu môn kéo dài: Đây là tình trạng lỗ rò thông thương giữa ống hậu môn và lớp da bên ngoài. Lỗ rò thường xuyên chảy dịch, phân dẫn đến kích thích các mô xung quanh lỗ hậu môn, gây viêm nhiễm hoặc nhiễm khuẩn.
bác sĩ tầm soát ung thư hậu môn
Những người rò hậu môn kéo dài nên tầm soát ung thư hậu môn để phát hiện sớm bất thường và can thiệp kịp thời

Tầm soát ung thư hậu môn tại BVĐK Tâm Anh

BS.CKI Nguyễn Chí Thanh cho biết hiện nay, các phương pháp tầm soát ung thư hậu môn phổ biến tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thường được chỉ định gồm:

  • Nội soi hậu môn ống mềm gây mê, không khó chịu cho bệnh nhân.
  • Hệ thống chụp cắt lớp vi tính (CT) 768 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI cho hình ảnh 3D có thể nhìn thấy bên trong hậu môn từ nhiều phía.
  • Hệ thống chụp cộng hưởng từ MRI 1.5 -3 Tesla của Siemens (Đức) mang đến sự thoải mái, tiện lợi và an toàn cho bệnh nhân; hình ảnh rõ nét, chất lượng, góp phần chẩn đoán bệnh chính xác.
  • Xét nghiệm công thức máu cho kết quả ngay trong ngày.

Nhờ trang bị hệ thống máy móc hỗ trợ hiện đại, cho độ chính xác cao, các bác sĩ tại BVĐK Tâm Anh có thể nhanh chóng xác định, đánh giá mức độ bệnh. Từ đó đề xuất các phương hướng điều trị, đề xuất các phác đồ chuyên sâu phù hợp với thể trạng của từng bệnh nhân.

Để đặt lịch khám, tư vấn, tầm soát và điều trị ung thư hậu môn tại BVĐK Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ qua thông tin sau:

Ung thư hậu môn được phát hiện sớm cho tiên lượng điều trị khả quan; vì vậy tầm soát ung thư hậu môn đóng vai trò quan trọng giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, tăng tỷ lệ sống còn cho người bệnh.