Ung thư biểu mô tế bào vảy: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách chẩn đoán

Ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy (còn gọi là ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư tế bào gai) là loại ung thư da phổ biến thứ 2 sau ung thư biểu mô tế bào đáy. Bệnh có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

ung thư biểu mô tế bào vảy

Ung thư biểu mô tế bào vảy là gì?

Ung thư biểu mô tế bào vảy (tên tiếng Anh là Squamous cell carcinoma – SCC) là một loại ung thư bắt nguồn từ sự phát triển bất thường của các tế bào vảy thuộc lớp biểu bì của da. (1)

Da là cơ quan có diện tích lớn nhất trên cơ thể người. Da bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây bệnh như vi sinh vật, giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, và giúp cơ thể cảm nhận được môi trường xung quanh như nóng, lạnh.

Da được cấu tạo bởi 3 lớp: biểu bì (lớp ngoài cùng của da), bì và hạ bì. Trong đó, lớp biểu bì bao gồm 3 loại tế bào chính: tế bào vảy, tế bào đáy và tế bào hắc tố.

Ung thư biểu mô vảy đứng thứ 2 về số lượng các trường hợp ung thư da, sau ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC), chiếm khoảng 20% ca bệnh ung thư da. Ước tính trong ba thập kỷ qua, tỷ lệ mắc ung thư carcinoma tế bào vảy tăng lên 50-200%. Tại Hoa Kỳ, khoảng 1 triệu người mắc ung thư biểu mô vảy được báo cáo. (2)

hình ảnh ung thư biểu mô tế bào vảy
Hình minh họa ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy.

Yếu tố nguy cơ của ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy

Tiếp xúc trực tiếp với bức xạ tia cực tím (tia UV) là yếu tố nguy cơ chính gây đột biến DNA, dẫn đến ung thư da biểu mô tế bào vảy và các loại ung thư da khác. Vì vậy, những người có nguy cơ mắc ung thư da cao hơn bao gồm: (3)

  • Người da trắng, tóc vàng hoặc tóc đỏ. Những người này thường thiếu sắc tố eumelanin có vai trò bảo vệ trước tác động của tia UV (eumelanin là sắc tố tạo nên màu sẫm của tóc, da).
  • Người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời mà không sử dụng biện pháp bảo vệ, chống nắng.
  • Thường xuyên sử dụng giường tắm nắng.

Ngoài nguyên nhân tiếp xúc trực tiếp với tia UV, các nguyên nhân khác gây ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy bao gồm:

  • Ức chế miễn dịch: Người suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV hoặc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch sau phẫu thuật ghép tạng có nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào vảy cao gấp 65-250 lần so với người bình thường. (4)
  • Hút thuốc lá: Thói quen này làm tăng nguy cơ mắc ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy, đặc biệt tại vị trí xung quanh môi. Ngoài ra, người hút thuốc lá còn có nguy cơ cao mắc các bệnh lý ác tính nguy hiểm khác, như ung thư phổi, bàng quang…
  • Tiếp xúc với hóa chất như dầu hỏa, hắc ín, bồ hóng, arsenic…
  • Tiếp xúc với tia bức xạ ion hóa: Những người tiếp xúc với tia bức xạ như bệnh nhân ung thư đã trải qua xạ trị, thợ làm việc trong các mỏ uranium… có nguy cơ bị ung thư da biểu mô tế bào vảy cao hơn.
  • Tình trạng viêm nhiễm mạn tính của da: Tế bào ung thư biểu mô vảy có thể hình thành trên các vết loét, sẹo, vết bỏng mạn tính.
  • Nhiễm virus u nhú gai ở người (Human papillomavirus – HPV) các type 5, 8, 11, 16, 18.
  • Di truyền gia đình: Các bệnh lý khô da sắc tố, ly thượng bì bọng nước loạn dưỡng, bạch tạng mắt da làm tăng nguy cơ mắc ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy.
nguyên nhân ung thư biểu mô tế bào vảy
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Dấu hiệu ung thư biểu mô tế bào vảy

Ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy thường xuất hiện ở những vùng thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím (tia UV) như mặt, cổ, tay, chân… Một số ít trường hợp sang thương có thể xuất hiện trong hốc miệng, bộ phận sinh dục hoặc lòng bàn chân. Các sang thương da do ung thư biểu mô tế bào vảy đôi khi khó phân biệt với các bệnh lý lành tính khác ở da. (5)

Sang thương da của ung thư biểu mô tế bào vảy có một số tính chất như sau:

  • Sang thương da dạng nốt, sẩn hoặc mảng, gồ nhẹ so với bề mặt da, có giới hạn rõ, màu hồng hoặc đỏ.
  • Bề mặt sang thương có thể trơn láng, dày sừng hoặc có dạng lở loét. Sang thương thường dễ chảy máu.
  • Sang thương da có thể gây đau nhức hoặc ngứa. Nếu sang thương xâm lấn thần kinh, bệnh nhân sẽ xuất hiện một số triệu chứng như tê bì, cảm giác bỏng rát, dị cảm…

Tùy thuộc vào một số đặc điểm như vị trí sang thương da, mức độ xâm lấn của khối u, đặc điểm mô học của khối u (dựa trên kết quả giải phẫu bệnh)… mỗi trường hợp ung thư da sẽ có nguy cơ di căn đến các hạch bạch huyết lân cận khác nhau. Di căn xa đến các cơ quan khác thường ít gặp đối với ung thư da dạng biểu mô tế bào gai.

Nếu xuất hiện các sang thương da với tính chất nghi ngờ như trên hoặc các vết lở loét trên da không lành, bệnh nhân cần nhanh chóng đến các phòng khám, bệnh viện chuyên khoa Da Liễu hoặc Ung bướu để bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh.

dấu hiệu ung thư biểu mô tế bào vảy
Ung thư tế bào vảy có thể xuất hiện ở những vị trí thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như mặt, cổ, tai, tay, chân.

Ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy có nguy hiểm không?

Ung thư biểu mô tế bào vảy thường có diễn tiến chậm hơn so với một số loại ung thư khác (ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày…), nên ít đe dọa tính mạng của bệnh nhân hơn. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, sang thương da sẽ tăng kích thước và xâm lấn các cấu trúc sâu hơn, khiến việc điều trị kéo dài, khó khăn và tốn kém. Khi ung thư tiến triển sâu, bệnh có thể gây tổn thương thần kinh, mạch máu và các cấu trúc xung quanh. Trong một số trường hợp, tế bào ung thư có thể di căn xa đến các cơ quan khác của cơ thể, không thể điều trị khỏi và gây tử vong.

Nếu người bệnh mắc hội chứng suy giảm miễn dịch (HIV) hoặc đang sử dụng thuốc suy giảm hệ miễn dịch sau ghép tạng, mắc bệnh bạch cầu, ung thư biểu mô tế bào vảy có thể phát triển nhanh và nguy hiểm hơn.

Tiên lượng ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy

Ung thư biểu mô tế bào vảy có tiên lượng và khả năng phục hồi tốt. Các tổn thương da nhỏ thường điều trị khỏi, thời gian phục hồi ngắn nên bệnh nhân không cần quá lo lắng khi phát hiện bệnh.

Ung thư biểu mô tế bào vảy giai đoạn cuối có thể cần phẫu thuật mở rộng do khối u lan rộng và ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận. Trong đó khối u ở gần tai, môi, xuất hiện trên sẹo cũ hoặc xâm nhập quanh hệ thần kinh có khả năng di căn cao hơn. Tỷ lệ sống còn 5 năm sau di căn ung thư tế bào vảy là 34% . (6)

Chẩn đoán bệnh ung thư biểu mô tế bào vảy

Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử và thăm khám bệnh nhân nhằm xác định các tính chất của sang thương da (vị trí, kích thước, đặc điểm bề mặt, triệu chứng kèm theo…). Đồng thời, bác sĩ kết hợp khai thác tiền căn thói quen, bệnh lý, tiền sử gia đình nhằm đưa ra các đánh giá, chẩn đoán ban đầu.

Một số câu hỏi về bệnh sử của bệnh nhân bao gồm:

  • Bệnh nhân phát hiện vết tổn thương bất thường trên da khi nào?
  • Khối u có thay đổi kích thước so với lần đầu tiên người bệnh phát hiện không?
  • Có triệu chứng ngứa rát, đau nhức kèm theo hay không?

Sau khi thăm khám lâm sàng, nếu nghi ngờ ung thư, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện sinh thiết sang thương da để chẩn đoán xác định. Sinh thiết da được thực hiện bằng cách lấy một mẫu nhỏ ở vùng da bị tổn thương và kiểm tra dưới kính hiển vi nhằm tìm kiếm tế bào ung thư. Kết quả sinh thiết (giải phẫu bệnh) là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy.

Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT-scan), chụp cộng hưởng từ (MRI)… có vai trò để xác định sự xâm lấn của sang thương với các cấu trúc khác, đánh giá tình trạng di căn hạch vùng và di căn xa đến các cơ quan khác.

khám ung thư miễn phí

Điều trị ung thư biểu mô tế bào vảy

Liệu pháp điều trị tác động trên bề mặt (superficial therapies): dùng để điều trị các tổn thương tiền ung thư da như bệnh dày sừng ánh sáng (actinic keratosis), hoặc các trường hợp ung thư da tại chỗ (bệnh Bowen). (7)

  • Thuốc bôi tại chỗ: kem bôi da imiquimod hoặc 5-fluorouracil.
  • Phẫu thuật đông lạnh (Cryotherapy): các tế bào ác tính được làm đông lạnh và tiêu diệt bởi dung dịch (thường là ni-tơ) hoặc các thiết bị chuyên dụng ni-tơ. Phương pháp điều trị này có thể diễn ra nhiều lần cho đến khi không còn tế bào ác tính.
  • Liệu pháp quang động học (Photodynamic – PDT): một loại thuốc tăng nhạy ánh sáng được thoa vào sang thương da. Khi tiếp xúc với ánh sáng phù hợp, giúp kích hoạt thuốc, tiêu diệt tế bào ung thư.

Liệu pháp điều trị đối với ung thư da xâm lấn:

  • Phẫu thuật: Phương pháp điều trị chính đối với ung thư da biểu mô tế bào vảy. Các phương pháp có thể được sử dụng bao gồm nạo và đốt điện (curettage and electrodesiccation – C & E), phẫu thuật Mohs, phẫu thuật tiêu chuẩn. Phẫu thuật cắt u có thể kết hợp với nạo hạch di căn.
  • Xạ trị: Phương pháp này được chỉ định khi bệnh nhân không thể phẫu thuật hoặc không muốn phẫu thuật, hoặc xạ trị hỗ trợ sau phẫu thuật để hạn chế nguy cơ tái phát bệnh. Trong một số trường hợp, xạ trị có thể kết hợp với hóa trị (gọi là hóa xạ trị đồng thời) để điều trị bệnh.
  • Liệu pháp điều trị toàn thân (hóa trị, liệu pháp miễn dịch, điều trị nhắm trúng đích): Phác đồ này được chỉ định khi bệnh nhân không thể phẫu thuật và xạ trị, hoặc nếu điều trị thất bại với hai phương pháp này, hoặc khi ung thư đã di căn xa đến các cơ quan khác.

Phòng ngừa bệnh ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy

Ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy có thể được ngăn ngừa nếu chúng ta thay đổi những thói quen không tốt. Để bảo vệ bản thân khỏi ung thư tế bào vảy, bạn có thể:

  • Tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời vào giữa ngày: Từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều là khoảng thời gian lượng bức xạ tia UV mạnh nhất, gây tổn thương da nhiều nhất. Do đó, cần tránh làm việc hoặc hoạt động ngoài trời trong thời gian này, ngay cả khi mùa đông hoặc trời âm u… Nếu phải tiếp xúc ánh nắng mặt trời, cần sử dụng quần áo bảo vệ hoặc kem chống nắng để tránh tia UV tác động trực tiếp trên da.
  • Sử dụng kem chống nắng hàng ngày: Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF ≥ 15. Thường xuyên thoa lại sau mỗi 2 tiếng hoặc cách mỗi tiếng nếu đổ nhiều mồ hôi, bơi lội.
  • Che chắn kỹ càng: Khi cần ra ngoài vào thời điểm nắng gắt nên mặc quần áo tối màu, vải dệt, che kín tay chân. Đội mũ rộng vành có thể che mặt và tai. Đeo kính râm loại có khả năng ngăn chặn tia UVA và UVB.
  • Không sử dụng giường tắm nắng: Đèn giường tắm có thể phát ra tia UV làm tăng nguy cơ ung thư da. Trong trường hợp dùng giường tắm nắng, nên sử dụng kem chống nắng.
  • Thường xuyên kiểm tra da: Quan sát và kiểm tra cơ thể nhằm sớm phát hiện những khối u hoặc bất thường trên da. Kiểm tra vùng da ở tay, chân, mặt, tai, vùng cổ, lưng… những thay đổi bất thường như nốt ruồi, tàn nhang, vết bớt, sưng tấy, lở loét… Nếu phát hiện các tổn thương da nghi ngờ, cần nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa gần nhất để thăm khám và điều trị.
phòng ngừa ung thư biểu mô tế bào vảy
Phòng ngừa ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy bằng cách sử dụng kem chống nắng, che chắn cẩn thận khi hoạt động ngoài trời.

Để khám và tầm soát ung thư da tại BVĐK Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ qua thông tin sau:

Ung thư biểu mô tế bào vảy có thể điều trị khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị khi bệnh còn ở giai đoạn sớm. Đây là một trong những loại ung thư có thể sớm phát hiện bởi các sang thương xuất hiện trên da. Khi phát hiện những tổn thương nghi ngờ trên da, nên chủ động đến các bác sĩ chuyên khoa thăm khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.