Ung thư đầu mặt cổ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa

Theo Thống kê về ung thư năm 2021 của Siegel RL, Miller KD, Fuchs HE, Jemal A., với tỉ lệ gần 4% tổng số ca mắc ung thư tại Hoa Kỳ (1), ung thư đầu mặt cổ là một dạng ung thư rất phổ biến. Việc trang bị kiến thức về nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh sẽ giúp cho người bệnh có sự nhận biết tốt, từ đó sớm tìm đến các hỗ trợ y khoa.

Dưới đây là các thông tin về căn bệnh ung thư này được THS.BS.CKII Đoàn Minh Trông, Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ.

ung thư đầu mặt cổ

Ung thư đầu mặt cổ là gì?

Ung thư đầu mặt cổ là sự xuất hiện của những khối u ác tính ở khu vực đầu, mặt và cổ. Thông thường, ung thư đầu cổ sẽ được gọi tên theo bộ phận cơ thể nơi chúng khởi phát. Loại ung thư vùng đầu cổ phổ biến nhất là ung thư thanh quản, hầu họng và miệng; còn ung thư tuyến nước bọt và tại các xoang, cơ, dây thần kinh vùng mặt có thể hiếm gặp hơn.

Tỉ lệ mắc ở nam giới cao gấp đôi so với nữ giới và thường gặp ở người trên 50 tuổi.

12 dấu hiệu ung thư vùng đầu mặt cổ sớm dễ nhận biết

Theo bác sĩ Minh Trông, ung thư đầu cổ thường tiến triển âm thầm với các triệu chứng nhẹ và giống với triệu chứng cảm lạnh, viêm họng thông thường. Điều đó khiến bệnh nhân chủ quan và bỏ lỡ giai đoạn điều trị sớm. Dưới đây là 12 dấu hiệu sớm của ung thư đầu cổ dễ nhận biết:

1. Đau họng dai dẳng

Đau dai dẳng hoặc khó chịu ở cổ họng là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của ung thư đầu mặt cổ mà cụ thể hơn là ung thư vòm họng.

2. Thường xuyên đau đầu

Không chỉ đau họng, triệu chứng đau đầu thường xuyên cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư vòm họng.

đau đầu là dấu hiệu của nhiều loại ung thư
Đau đầu là dấu hiệu của nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư đầu mặt cổ.

3. Khàn giọng hoặc thay đổi giọng nói

Sự thay đổi của giọng nói như: trở nên khàn như bị cảm lạnh, phát âm ngọng một số từ hoặc gặp khó khăn khi phát âm một số âm nhất định có thể là dấu hiệu ung thư đầu cổ.

4. Đau khi bạn nhai hoặc nuốt

Ung thư vùng đầu cổ có thể gây đau hoặc cảm giác nóng rát khi nhai và nuốt thức ăn, tương tự như cảm giác thức ăn bị mắc kẹt trong thực quản hoặc khí quản.

5. Đau ở răng trên của bạn

Răng trên bị lỏng hoặc đau có thể là dấu hiệu cảnh báo của ung thư khoang mũi hoặc xoang cạnh mũi.

6. Tê hoặc đau mặt

Đau hoặc khó chịu ở mặt kéo dài dai dẳng cũng là triệu chứng thường gặp của ung thư tuyến nước bọt và ung thư miệng.

khám ung thư miễn phí

7. Khó thở hoặc nói

Ung thư vòm họng có thể gây ảnh hưởng đến hô hấp. Nghẹt mũi là dấu hiệu phổ biến của ung thư xoang và các bệnh ung thư đầu cổ khác. Một số trường hợp người bệnh có thể kèm theo chảy máu cam. (2)

8. Một khối u trong cổ họng, miệng hoặc cổ

Ung thư là sự phát triển bất thường ngoài tầm kiểm soát của tế bào, từ đó hình thành khối u ác tính. Vì vậy, những cục u hoặc hạch xuất hiện bất thường ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, kể cả bên trong cổ họng, khoang miệng hoặc cổ đều có thể là dấu hiệu của ung thư đầu mặt cổ. (3)

9. Vết loét miệng hoặc lưỡi không lành

Vết loét màu trắng hoặc đỏ bên trong miệng không biến mất trong hơn 3 tuần có thể là dấu hiệu ung thư đầu cổ. (4)

10. Nhiễm trùng xoang thường xuyên

Nhiễm trùng xoang là tình trạng viêm ở xoang mặt, xoang cạnh mũi… đi kèm các triệu chứng bao gồm nghẹt mũi, đau vùng mặt và mệt mỏi. Bệnh thường kéo dài từ 7 – 10 ngày và thường tự khỏi mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài và không đáp ứng với kháng sinh, người bệnh cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để sàng lọc các nguy cơ ung thư vùng đầu cổ.

11. Mảng trắng hoặc đỏ trên nướu, lưỡi hoặc bên trong miệng

Những mảng dày màu trắng (bạch sản) hình thành ở mặt trong môi dưới, viền bên lưỡi, sàn miệng và vùng sau răng hàm có thể là dấu hiệu của khối u ác tính trong khoang miệng.

12. Sưng ở hàm, cổ hoặc một bên mặt

Các dấu hiệu bất thường ở vùng cổ, mặt như: sưng một bên hàm không rõ nguyên nhân, liệt cơ mặt, khít hàm, sưng tấy lâu ngày và ổ viêm tăng nhanh kích thước cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của ung thư tuyến nước bọt.

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Ung thư nếu được phát hiện sớm thì tỷ lệ điều trị thành công rất cao. Do đó, việc chủ động tầm soát ung thư khi phát hiện các triệu chứng bất thường về sức khỏe sẽ giúp cho quá trình điều trị hiệu quả hơn. Nếu người bệnh có các triệu chứng dưới đây kéo dài trên 3 tuần, hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và sàng lọc ung thư đầu cổ:

  • Vết loét ở miệng kéo dài hơn 3 tuần.
  • Xuất hiện khối u bên trong khoang miệng, trên môi, cổ hoặc bên trong cổ họng.
  • Xuất hiện mảng màu trắng hoặc đỏ trong miệng.
  • Bị đau ở miệng.
  • Gặp khó khăn khi nuốt hoặc nói.
  • Bị khàn giọng trong hơn 3 tuần.
  • Bị sưng tấy ở một bên mặt, ngay trước tai hoặc dưới xương hàm.

Phân loại ung thư đầu mặt cổ

Thông thường, ung thư đầu mặt cổ được đặt tên theo vị trí nơi tế bào ung thư khởi phát, bao gồm 6 loại:

1. Ung thư vòm mũi họng

Ung thư vòm mũi họng là sự xuất hiện của tế bào ác tính ở niêm mạc vùng vòm, vị trí trên cùng của họng, ngay sau mũi và dưới nền sọ.

Các triệu chứng của ung thư vòm họng và ung thư vòm mũi có thể bị nhầm lẫn với cảm lạnh, viêm xoang thông thường như: nghẹt một bên mũi dai dẳng, chảy máu cam, giảm khứu giác, có chất nhầy chảy từ mũi hoặc xuống cổ họng…

2. Ung thư thanh quản – hạ họng

Ung thư thanh quản – hạ họng là sự xuất hiện của khối u ác tính ở phần hạ họng hoặc thanh quản. Tuy nhiên, vì vị trí gần nhau và khi phát hiện thì khối u đã phát triển, lan sang nhau, do đó khó có thể phân chia rõ ràng khối u ban đầu xuất phát từ thanh quản hay hạ họng.

chẩn đoán ung thư bằng chẩn đoán hình ảnh
Ung thư thanh quản – hạ họng có thể được chẩn đoán bằng nội soi hoặc siêu âm, chụp MRI…

Các triệu chứng của ung thư thanh quản – hạ họng gồm: thay đổi giọng nói, khàn giọng dai dẳng, nuốt vướng, hụt hơi, ho dai dẳng, xuất hiện khối u hoặc vùng sưng ở cổ.

3. Ung thư khoang miệng

Ung thư khoang miệng là một nhóm bệnh lý ung thư đầu và cổ ở vùng khoang miệng, như môi trên, môi dưới, lưỡi, nướu, niêm mạc bên trong má và môi, sàn miệng dưới lưỡi, vòm miệng và vùng nướu nhỏ phía sau răng khôn… Tên gọi của từng loại ung thư khoang miệng tùy thuộc vào vị trí khối u xuất hiện.

Các triệu chứng sớm của ung thư miệng là nuốt đau, vết loét miệng hoặc xuất hiện các khối u trong miệng.

4. Ung thư tuyến nước bọt

Có 3 tuyến nước bọt chính là tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi. Ung thư tuyến nước bọt thường xuất hiện ở tuyến mang tai (ở vị trí giữa má và tai). Triệu chứng của ung thư tuyến nước bọt là có khối u hoặc vùng sưng tấy ở vùng mang tai hoặc dưới hàm (có thể gây đau), tê một phần mặt, xệ một bên mặt. (5)

5. Ung thư xoang mặt

Đối với ung thư xoang mặt, tế bào ung thư được tìm thấy tại các vị trí: xoang hàm, xoang trán, xoang sàng trước, xoang sàng sau và xoang bướm, trong đó phổ biến nhất là ung thư xoang hàm. Triệu chứng của ung thư xoang mặt dễ bị nhầm lẫn với viêm xoang hoặc cảm lạnh, tuy nhiên các triệu chứng dai dẳng, nặng dần và người bệnh không đáp ứng với kháng sinh.

Nguyên nhân gây ung thư đầu mặt cổ

Theo bác sĩ Minh Trông, một số yếu tố làm tăng nguy cơ của tất cả các loại ung thư là: tuổi tác, các bệnh lý mãn tính, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, lối sống không lành mạnh (hút thuốc, lạm dụng rượu bia, thực phẩm chế biến sẵn…), di truyền, căng thẳng, tiếp xúc với các hóa chất độc hại… Riêng đối với ung thư đầu mặt cổ, các yếu tố nguy cơ bao gồm:

1. Uống rượu bia thường xuyên

Uống quá nhiều rượu có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cả về tinh thần và thể chất. Rượu tấn công và làm tổn thương các tế bào thanh quản, khiến nguy cơ mắc ung thư tăng lên. (6)

2. Hút thuốc lá

Thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư đầu và cổ. Khoảng 70% – 80% người bệnh có liên quan đến thói quen hút thuốc lá (7). Thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có nhiều chất độc hại có thể gây ra đột biến tế bào và dẫn đến ung thư. Người hút thuốc lá có nguy cơ rất cao mắc các bệnh lý ung thư khoang miệng, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, đặc biệt là ung thư phổi.

3. Virus gây u nhú ở người (HPV)

Virus gây u nhú ở người (HPV) là nguyên nhân khiến các ca bệnh ung thư đầu cổ gia tăng ở người trẻ tuổi. Theo hệ thống y tế hàn lâm Cleveland Clinic, có đến 75% ca bệnh ung thư vòm họng có nguyên nhân do nhiễm HPV.

4. Tiếp xúc hóa chất

Người làm công việc tiếp xúc nhiều với bụi gỗ, các hóa chất độc hại như amiăng, niken có nguy cơ ung thư vòm họng, ung thư thanh quản và ung thư xoang mặt rất cao.

5. Nhiễm virus Epstein-Barr

Nhiễm virus Epstein-Barr là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng và ung thư tuyến nước bọt.

6. Tiếp xúc bức xạ

Vùng đầu và cổ tiếp xúc với bức xạ cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến nước bọt.

7. Vệ sinh răng miệng kém

Vệ sinh răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm nướu… và còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư đầu và cổ, giảm thời gian sống của bệnh nhân.

Biến chứng của ung thư đầu mặt cổ

Ung thư đầu mặt cổ là bệnh ác tính có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Các tế bào ung thư đầu tiên sẽ gây xâm lấn tại chỗ. Sau đó, chúng có thể vỡ ra và lan sang các hạch vùng cổ. Quá trình di căn này có liên quan đến kích thước khối u, tốc độ lan tràn, mức độ ác tính của tế bào ung thư… Trường hợp di căn xa có thể lan đến phổi nhưng thường diễn ra ở giai đoạn muộn.

Các phương pháp chẩn đoán ung thư đầu cổ

Kiểm tra, phát hiện bệnh sớm là chìa khóa để điều trị ung thư thành công. Các phương pháp chẩn đoán ung thư đầu cổ được sử dụng hiệu quả hiện nay là:

1. Sinh thiết chọc hút kim nhỏ

Sinh thiết chọc hút kim nhỏ là thủ thuật sử dụng một cây kim nhỏ tương tự như kim dùng xét nghiệm máu để chọc hút một ít chất lỏng hoặc tế bào từ hạch bạch huyết. Mẫu chất lỏng hoặc tế bào này sau đó sẽ được gửi đến bác sĩ chuyên khoa giải phẫu để kiểm tra và xác định có sự xuất hiện của ung thư hay tế bào bất thường hay không.

2. Siêu âm

Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán không xâm lấn, sử dụng sóng siêu âm để khảo sát, thể hiện hình ảnh của các bộ phận bên trong cơ thể. Bác sĩ sẽ sử dụng đầu dò máy siêu âm di chuyển trên vùng cổ họng, xương hàm… để phát hiện những bất thường ở khu vực này.

siêu âm giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường
Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán nhằm phát hiện các bất thường không khám thấy trên lâm sàng.

3. Chụp MRI

Chụp MRI (cộng hưởng từ) là phương pháp chẩn đoán sử dụng sóng vô tuyến và từ trường để tạo hình cắt lớp các bộ phận trên cơ thể. Phương pháp này cho ra hình ảnh cấu trúc các cơ quan rõ ràng, sắc nét với độ phân giải cao, giúp bác sĩ phát hiện những bất thường không hiển thị trên phim chụp X-quang.

4. Tiên lượng cho ung thư đầu cổ

Tuy là bệnh ác tính và phổ biến trong các loại ung thư, nhưng ung thư đầu cổ có thể được chữa khỏi nếu phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm. Lúc này, các khối u nhỏ chưa lan rộng, giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả cao và chi phí thấp hơn.

Theo Cleveland Clinic, có đến 70% – 90% số bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư đầu cổ ở các giai đoạn sớm vẫn còn sống sau 5 năm.

Phương pháp điều trị ung thư đầu mặt cổ

Phương pháp điều trị ung thư đầu mặt cổ phụ thuộc vào các yếu tố như: vị trí khối u, giai đoạn phát hiện bệnh, tuổi tác, sức khỏe tổng quát của người bệnh…, bao gồm:

1. Phẫu thuật

Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ khối u ác tính và một số mô lành xung quanh. Các loại phẫu thuật có thể tiến hành cho người bệnh ung thư vùng đầu cổ là: phẫu thuật bằng tia laser, phẫu thuật cắt bỏ, nạo vét hạch bạch huyết… Tùy thuộc vào vị trí xuất hiện ung thư và giai đoạn phát hiện ung thư mà người bệnh có thể phải trải qua nhiều lần phẫu thuật, hoặc cần điều trị bổ sung hóa trị, xạ trị hoặc cả hai.

2. Xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị và giảm nhẹ các triệu chứng ung thư được lựa chọn phổ biến. Phương pháp này sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các hạt khác để tiêu diệt khối u ác tính. Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định xạ trị riêng lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác như hóa trị, phẫu thuật…

3. Hóa trị

Phương pháp hóa trị được sử dụng trong điều trị ung thư là sử dụng các loại thuốc nhằm tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn chúng phát triển, phân chia và xâm lấn các cơ quan khác trong cơ thể. Phương pháp này thường được sử dụng cho bệnh ung thư đầu mặt cổ giai đoạn tiến triển.

4. Thuốc điều trị

Thuốc điều trị ung thư là các loại thuốc dùng để điều trị bệnh ung thư được cấp phép hoặc chấp thuận sử dụng bởi các cơ quan y tế quốc tế và trong nước. Thuốc điều trị ung thư nhắm trúng đích được sử dụng để tiêu diệt chính xác tế bào ung thư và hạn chế tổn hại đến các tế bào lành xung quanh.

dùng thuốc điều trị ung thư giai đoạn sớm
Có thể dùng thuốc để điều trị ung thư đầu mặt cổ giai đoạn sớm, hoặc điều trị giảm nhẹ các triệu chứng trong giai đoạn bệnh tiến triển di căn.

Phương pháp này có thể áp dụng kết hợp với các phương pháp điều trị khác để điều trị ung thư đầu và cổ giai đoạn muộn, hoặc trong trường hợp người bệnh không đáp ứng với các liệu pháp điều trị khác.

Phòng ngừa ung thư đầu cổ thế nào?

Theo bác sĩ Minh Trông, có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư đầu và cổ bằng cách chú ý đến các yếu tố nguy cơ sau:

  • Tránh thuốc lá và rượu bia: thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư vòm họng. Mỗi người nên có ý thức tránh tiếp xúc với thuốc lá và khói thuốc lá. Lạm dụng rượu bia cũng là một yếu tố tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Với bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc ung thư, việc bỏ thuốc lá và rượu có thể làm giảm nguy cơ ung thư tiến triển.
  • Tiêm vắc xin ngừa HPV: tiêm vắc xin phòng ngừa HPV không chỉ làm giảm yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư cổ tử cung mà còn được chứng minh làm giảm nguy cơ đối với các loại ung thư khác, đặc biệt là ung thư hầu họng, ung thư miệng.
  • Hạn chế tiếp xúc với hóa chất: một số công việc đặc thù có nguy cơ tiếp xúc với hóa chất thường xuyên, cần có các biện pháp hạn chế như sử dụng thiết bị bảo hộ, tăng cường hệ thống thông gió…
  • Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh: việc tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, tăng cường trái cây, ngũ cốc và rau xanh, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và các loại thịt đỏ sẽ giúp xây dựng hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, phòng ngừa nhiều bệnh trong đó có ung thư.

Để đăng ký tầm soát và điều trị ung thư đầu mặt cổ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua thông tin sau:

Việt Nam là quốc gia thuộc vùng có yếu tố nguy cơ mắc ung thư đầu mặt cổ cao. Vì thế, bên cạnh việc xây dựng lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, tránh xa các yếu tố nguy cơ thì mỗi người cần có ý thức chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 12 tháng/ lần. Bất cứ khi nào phát hiện các dấu hiệu bất thường về tai mũi họng, cần nhanh chóng đến các trung tâm y tế chuyên khoa để kiểm tra, tầm soát nguy cơ mắc bệnh.