Ung thư gan giai đoạn cuối: Triệu chứng và điều trị giảm nhẹ

Ung thư gan giai đoạn cuối khi khối u lan tràn hạch bạch huyết vùng hay đã di căn xa tới các cơ quan như xương, phổi,… Ở giai đoạn này, bệnh tiên lượng rất xấu, người bệnh biểu hiện các triệu chứng bệnh rầm rộ, điều trị khó khăn, mục đích điều trị lúc này là chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống còn cho người bệnh.

ung thư gan giai đoạn cuối

Ung thư gan giai đoạn cuối là gì?

Ung thư gan giai đoạn cuối là tình trạng các tế bào ung thư xâm lấn tới các mô lân cận, di căn hạch bạch huyết vùng và di căn xa đến các cơ quan của cơ thể như phổi, thận, xương,… Tiên lượng bệnh ở giai đoạn này rất xấu (tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ 3,5% theo SEER 22), điều trị khó khăn, mục đích điều trị chính là chăm sóc giảm nhẹ các triệu chứng bệnh, cải thiện chất lượng sống và kéo dài thời gian sống còn cho người bệnh.

Ung thư gan nguyên phát là bệnh lý ác tính do sự phát triển bất thường của các tế bào có nguồn gốc từ gan. Ung thư biểu mô tế bào gan là thể bệnh phổ biến nhất của ung thư gan nguyên phát, phát sinh từ các tế bào biểu mô ác tính của gan. Ung thư gan thường được phân thành giai đoạn từ 1 đến 4 theo hệ thống phân giai đoạn TNM của AJCC hoặc theo hệ thống phân giai đoạn bệnh ung thư gan của Barcelona. (1)

Theo thống kê của GLOBOCAN 2020, Ung thư gan là bệnh lý ác tính đứng hàng thứ 6 trong số 10 loại ung thư thường gặp, với hơn 900.000 ca mắc mới và hơn 800.000 ca tử vong do bệnh. Riêng tại Việt Nam, đây là loại ung thư đứng đầu về số ca mắc mới (hơn 26.000 ca mới mắc) và tử vong do bệnh (hơn 25.000 ca).

Ung thư gan (UTG) là bệnh lý ác tính nguy hiểm với tiên lượng khó khăn. Dữ liệu thống kê SEER 22 (2013-2019) cho biết tỷ lệ sống còn 5 năm cho người bệnh mắc ung thư gan và đường mật trong gan chỉ 21,6%.

dấu hiệu ung thư gan giai đoạn cuối
Các dấu hiệu ung thư gan giai đoạn cuối rất rõ ràng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.

Triệu chứng ung thư gan giai đoạn cuối gồm những gì?

Ở giai đoạn cuối ung thư, các triệu chứng của bệnh biểu hiện rõ ràng, rầm rộ, tần suất xuất hiện thường xuyên, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh. Một số biểu hiện ung thư gan giai đoạn cuối (IV) điển hình gồm: (2)

1. Mệt mỏi, sút cân

Người bệnh có thể cảm thấy ăn uống khó khăn, không ngon miệng. Tình trạng ăn uống kém kèm mệt mỏi, suy nhược cơ thể nghiêm trọng khiến người bệnh sụt cân nhanh. Nếu sụt giảm hơn 10% trọng lượng cơ thể chỉ trong 6-12 tháng, bạn nên thăm khám để tìm nguyên nhân gây ra tình trạng sụt cân mất kiểm soát.

2. Rối loạn tiêu hóa

Người bệnh ung thư gan có thể gặp các triệu chứng như đầy bụng, nôn, buồn nôn. Triệu chứng diễn ra thường xuyên, thậm chí mức độ nghiêm trọng làm người bệnh không thể ăn uống được và phải cần tới can thiệp hỗ trợ dinh dưỡng tĩnh mạch.

3. Đau tức vùng bụng, hạ sườn

Khối u phát triển tăng kích thước chèn ép tại gan và các cơ quan lân cận có thể gây đau tức vùng bụng hạ sườn phải.

sub kênh tiêu hóa tâm anh

4. Các triệu chứng của xơ gan, suy tế bào gan

  • Bụng trướng: tình trạng ứ đọng dịch trong màng bụng do tình trạng xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa hay do suy giảm albumin máu trên người bệnh,… gây chèn ép làm cho người bệnh khó thở, ảnh hưởng tới tiêu hóa (như căng tức bụng, táo bón, khó tiêu, nôn/buồn nôn,…).
  • Triệu chứng tắc mật: da và củng mạc mắt vàng, tiểu sậm màu, phân bạc màu, ngứa,…Các triệu chứng này xuất hiện do sự tắc nghẽn đường mật trong gan hoặc ngoài gan gây ứ đọng bilirubin trong máu. Người bệnh có thể gặp tình trạng nhiễm trùng đường mật (biểu hiện với sốt cao liên tục, rét run, vã mồ hôi, đau tức hạ sườn phải,..).
  • Triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa: như nôn máu, đại tiện phân đen.
  • Giai đoạn muộn: triệu chứng của hội chứng não-gan (rối loạn giấc ngủ, thay đổi tâm trạng hành vi, lú lẫn, hôn mê,..) hội chứng gan-thận,…
triệu chứng ung thư gan giai đoạn cuối
Các cơn đau tức bụng vùng mạn sườn phải là một trong các triệu chứng điển hình của ung thư gan giai đoạn cuối.

Tiên lượng tỷ lệ sống sót của ung thư gan giai đoạn cuối có khả quan không?

Theo thống kê từ Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, tỷ lệ sống còn tương đối 5 năm đối với bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối (IV) khoảng 3%. Điều này có nghĩa với mỗi 100 người được chẩn đoán mắc ung thư gan giai đoạn cuối thì chỉ có 3 người sống tới 5 năm sau khi được chẩn đoán và điều trị.

Tuy nhiên các dữ liệu thống kê chỉ mang tính chất tham khảo, tiên lượng bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác cụ thể trên người bệnh như tình trạng sức khỏe chung, bệnh lý mắc kèm, khả năng đáp ứng với điều trị,… Do đó tiên lượng sống còn 5 năm đối với bệnh nhân ung thư gan giai đoạn IV chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh nên được thăm khám và tư vấn trực tiếp bởi các bác sĩ điều trị.

Mục đích điều trị với ung thư gan giai đoạn cuối (IV) là chăm sóc nâng đỡ, giảm nhẹ các triệu chứng, cải thiện chất lượng sống và kéo dài tối đa thời gian sống còn cho người bệnh. Mục đích chính là chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng như điều trị giảm đau, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và kiểm soát các triệu chứng trên người bệnh (như khó thở, táo bón, chảy máu,…). Thay vì tập trung vào tuổi thọ, gia đình cần chú ý đến chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư.

Chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối bằng những phương pháp nào?

Bên cạnh thăm khám lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định trong chẩn đoán ung thư gan bao gồm:

1. Xét nghiệm máu

Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm đánh giá chức năng huyết học, chức năng gan thận cơ bản như xét nghiệm công thức máu, tình trạng đông máu, chức năng gan-thận, xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm gan virus, AFP,…

2. Chẩn đoán hình ảnh đánh giá giai đoạn bệnh

  • Siêu âm ổ bụng, X-quang ngực
  • Chụp cắt lớp vi tính CT-Scan/chụp cộng hưởng từ MRI gan
  • Chụp cắt lớp vi tính CT-Scan ngực-bụng,…

3. Sinh thiết làm xét nghiệm mô bệnh học

Bệnh nhân ung thư gan giai đoạn IV thường không sinh thiết. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết đánh giá khối u nếu cần thiết.

Các lựa chọn điều trị ung thư gan giai đoạn cuối phổ biến

Ở giai đoạn cuối bệnh ung thư gan, một số phương pháp điều trị có thể được chỉ định không nhằm mục đích chữa khỏi hay dứt điểm bệnh, mà là giúp giảm nhẹ triệu chứng của bệnh, cải thiện chất lượng sống và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Lựa chọn điều trị cho các bệnh nhân ở giai đoạn này là chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng hoặc tham gia các thử nghiệm lâm sàng.

  • Điều trị chăm sóc nâng đỡ:
    • Giảm đau: triệu chứng đau khi ung thư gan giai đoạn cuối thường có mức độ nghiêm trọng và xảy ra thường xuyên. Bác sĩ điều trị có thể kê các thuốc giảm đau như paracetamol, các thuốc nhóm opioids,…
    • Hỗ trợ dinh dưỡng: Đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư, đặc biệt các bệnh nhân ở giai đoạn cuối là rất quan trọng. Người mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối có thể bị suy kiệt, mệt mỏi, ăn uống kém, nôn-buồn nôn, suy giảm chức năng gan làm giảm khả năng hấp thu chất, thậm chí không thể ăn uống theo cách thông thường… Vì vậy, người bệnh cần được hỗ trợ dinh dưỡng tích cực, có thể cần nuôi dưỡng đường tĩnh mạch (khi cần). Gia đình có thể tham khảo tư vấn từ chuyên gia dinh dưỡng nhằm xây dựng chế độ ăn uống phù hợp trong chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối ung thư gan.
    • Điều trị các triệu chứng, biến chứng của xơ gan mất bù trên người bệnh như: bụng trướng (gây khó thở, chèn ép,… có thể được chọc hút dịch hay dẫn lưu nhằm làm giảm áp), điều trị xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản-dạ dày, bệnh lý não-gan, bệnh lý gan-thận,..
    • Hỗ trợ tâm lý tinh thần: Gia đình, người thân nên động viên người bệnh bởi đây là thời điểm tinh thần người bệnh không tốt, dễ u uất, trầm cảm…
  • Xạ trị giảm nhẹ: Người bệnh ung thư gan giai đoạn cuối có thể phát triển tình trạng di căn các cơ quan trong cơ thể như di căn não, xương, hay một số vị trí cơ quan khác,.. Bác sĩ có thể chỉ định xạ trị với mục đích giảm nhẹ các triệu chứng do tình trạng di căn gây ra.
  • Tham gia các thử nghiệm lâm sàng: ngay cả người bệnh mắc ung thư gan giai đoạn IV, họ vẫn có thể tham gia các thử nghiệm lâm sàng nhằm tiếp cận với các phương pháp điều trị mới.
điều trị ung thư gan giai đoạn cuối
Kế hoạch điều trị ung thư gan giai đoạn cuối tập trung vào chăm sóc giảm nhẹ, cải thiện chất lượng sống, kéo dài sự sống của người bệnh.

Lưu ý ở giai đoạn cuối của ung thư gan, ghép gan không còn được chỉ định vì mức độ ảnh hưởng của tế bào ung thư đã lan rộng đến các mô xung quanh và xâm lấn các hạch bạch huyết vùng.

Đón nhận tin mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, việc tuân theo phác đồ điều trị kết hợp với chăm sóc nâng đỡ, giảm nhẹ triệu chứng bệnh sẽ giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt đến những ngày cuối cùng. (3)

Phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Để đăng ký khám tầm soát ung thư gan, bạn có thể liên hệ theo thông tin:

khám ung thư miễn phí

Người bệnh ung thư gan giai đoạn cuối cần được chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện chất lượng sống. Đây là giai đoạn người thân cần gần gũi, động viên tinh thần giúp người bệnh cảm thấy thoải mái, có niềm tin vào cuộc sống. Chính vì vậy, gia đình cần chuẩn bị tinh thần, luôn động viên, sẵn sàng hỗ trợ và đáp ứng các nguyện vọng của người bệnh để họ cảm thấy được an ủi, dễ chịu hơn.