Ung thư gan giai đoạn đầu: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ung thư gan giai đoạn đầu có tiên lượng điều trị tốt, khả năng phục hồi sức khỏe khả quan. Tuy nhiên các triệu chứng ung thư gan giai đoạn đầu thường nghèo nàn, diễn ra âm thầm, thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý viêm gan, xơ gan, khiến người bệnh bỏ qua thời điểm điều trị tốt nhất.

ung thư gan giai đoạn đầu

Ung thư gan giai đoạn đầu là gì?

Ung thư gan giai đoạn đầu là bệnh lý ác tính xuất hiện khối u ở gan, các tế bào ung thư khu trú ở gan, chưa ghi nhận xâm lấn hạch bạch huyết vùng và di căn cơ quan xa. Ung thư gan gồm có 3 loại chính gồm:

  • Ung thư biểu mô tế bào gan (phổ biến nhất)
  • Ung thư biểu mô đường mật
  • U nguyên bào gan (Hepatoblastoma)

Ung thư gan thứ phát là sự xuất hiện các khối u ở gan do tế bào ung thư gan từ cơ quan khác lây lan sang gan, có thể là ung thư vú, phổi, dạ dày, tuyến tụy… (1)

bệnh ung thư gan giai đoạn đầu
Ung thư gan giai đoạn đầu không có nhiều triệu chứng điển hình.

Dựa vào kích thước, số lượng, độ xâm lấn, di căn của ung thư, bác sĩ có thể sử dụng hệ thống phân đoạn TNM để chẩn đoán giai đoạn ung thư gan. Hệ thống phân đoạn ung thư TNM theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết ung thư gan được chia thành 4 giai đoạn chính, từ 1 đến 4. Ung thư gan giai đoạn đầu tương ứng với phân đoạn 1. (2)

Ung thư gan giai đoạn 1 gồm 2 giai đoạn: 1A và 1B. Giai đoạn này tế bào ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc di căn các cơ quan khác trong cơ thể.

  • Ung thư gan giai đoạn 1A: khối u duy nhất trong gan, kích thước dưới 2cm, tế bào ung thư chưa phát triển vào các mạch máu.
  • Ung thư giai đoạn 1B: khối u duy nhất trong gan, kích thước hơn 2cm, ung thư chưa phát triển vào mạch máu.

Xem thêm: Ung thư gan giai đoạn cuối: Triệu chứng và điều trị giảm nhẹ.

Dấu hiệu ung thư gan giai đoạn đầu thường bị bỏ qua

Biểu hiện ung thư gan giai đoạn đầu thường nghèo nàn, khiến việc phát hiện bệnh thường khó khăn. Hoặc các chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh lý liên quan gan khác như viêm gan, xơ gan…

Một số dấu hiệu ung thư gan giai đoạn đầu như:

  • Chán ăn
  • Buồn nôn, nôn
  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải
  • Ớn lạnh, ra mồ hôi
  • Cảm giác nhanh no, đầy hơi sau ăn
  • Sốt cao thường xuyên
  • Da mặt sạm đen (do chức năng chuyển hóa melanin của gan bị suy giảm)
  • Đau vùng thượng vị, bên phải, các cơn đau ngắt quãng
biểu hiện của ung thư gan giai đoạn đầu
Biểu hiện của ung thư gan giai đoạn đầu thường nghèo nàn, diễn ra âm thầm nên người bệnh chủ quan.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ung thư tiến triển nặng hơn, kèm theo các triệu chứng rõ ràng với mức độ nghiêm trọng hơn như:

  • Cơn đau hạ sườn phải, tần suất và mức độ ngày càng tăng.
  • Gan to, có thể sờ thấy.
  • Cổ trướng
  • Ngứa ngáy da (do bilirubin trong máu tăng)
  • Vàng da (gồm vàng da và kết mạc mắt)
  • Nước tiểu sẫm, phân nhạt màu
  • Xuất huyết bất thường (chảy máu lợi, vết bầm tím dưới da).
  • Sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân.

Tiên lượng khả năng sống sót của ung thư gan giai đoạn đầu

Tỷ lệ sống sót 5 năm của bệnh nhân ung thư gan giai đoạn đầu khoảng 31%. Tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư gan sẽ tốt hơn nếu được phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn sớm.

Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, dữ liệu SEER khảo sát từ năm 2012 đến 2018 cho thấy tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư gan cụ thể như sau: (3)

  • Đối với người bệnh được phát hiện ung thư giai đoạn khu trú trước khi nó lan ra bên ngoài gan, tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 31%.
  • Đối với bệnh nhân ung thư gan có tế bào ung thư xâm lấn các cơ quan lân cận hoặc hạch bạch huyết vùng, tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 11%.
  • Đối với bệnh nhân ung thư gan có khối u di căn đến các cơ quan xa, tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 3%.

Chẩn đoán phát hiện sớm ung thư gan giai đoạn đầu

1. Thăm khám lâm sàng

Khai thác các thông tin bệnh sử của người bệnh và gia đình. Đồng thời tiến hành thăm khám các dấu hiệu nghi ngờ mắc ung thư gan. Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện cận lâm sàng nhằm đánh giá chính xác.

2. Xét nghiệm sinh hóa máu

Các xét nghiệm sinh hóa máu cho các chẩn đoán ban đầu về dấu ấn ung thư gan, bao gồm AFP, AFP-L3 và DCP (PIVKA-II).

  • Xét nghiệm nồng độ AFP: chất chỉ dấu tế bào ung thư gan có độ nhạy và chính xác cao, lên đến 80-90%. Theo các chuyên gia, hơn 50% các ca ung thư gan có chỉ số AFP > 363 ng/ml. Nếu AFP trong máu > 200 ng/ml nhưng người bệnh đang mắc bệnh gan, có khả năng bệnh đã hoặc nguy cơ cao tiến triển thành ung thư gan. Nếu nồng độ AFP
  • Xét nghiệm nồng độ AFP-L3: dạng chủ yếu của AFP huyết thanh ở bệnh nhân ung thư gan. Người khỏe mạnh có chỉ số AFP-L3 15%, độ chẩn đoán chính xác lên tới 90-92%.
  • Xét nghiệm Des-Gamma-Carboxy Prothrombin (DCP): hay còn gọi là xét nghiệm nồng độ PIVKA-II, nhận ra dấu ấn ung thư bằng phát hiện sự bất thường của prothrombin, do thiếu hụt vitamin K ở gan. Nồng độ DCP ở người bình thường dao động 0 – 7,5ng/ml. Nồng độ DCP càng tăng tương ứng kích thước tăng trưởng khối u càng lớn. Trong trường hợp sau phẫu thuật thất bại, các chỉ số DCP sẽ tăng lên một cách bất thường.

chẩn đoán ung thư gan giai đoạn đầu

3. Chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh giúp mô tả các tổn thương gan, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh sử xơ gan, xuất hiện cấu trúc mô bất thường.

  • Siêu âm: phát hiện các tổn thương gan bất thường, kích thước, số lượng, sự xâm lấn vào mạch máu (huyết khối tĩnh mạch cửa…). Máy siêu âm thế hệ mới có thể phát hiện khối u có kích thước dưới 1 cm.
  • Chụp cắt lớp vi tính CT: cho hình ảnh tương phản đa pha của gan. Hơn 90% khối u gan có đường kính trên 3 cm được phát hiện bằng chụp cắt lớp vi tính. Phương pháp này giúp phát hiện rõ ràng vị trí khối u, mức độ xâm lấn mô xung quanh.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Độ chính xác cao (hơn 97%) đối với các khối u có kích thước lớn hơn 2 cm. Đồng thời giúp sớm phát hiện tổn thương xâm lấn tĩnh mạch.
  • Chụp mạch: thường được chỉ định để xác định giải phẫu gan trước khi phẫu thuật cắt bỏ hoặc hóa trị thuyên tắc qua động mạch.

4. Sinh thiết gan

Sinh thiết gan là phương pháp an toàn và hiệu quả nhằm xác nhận các tổn thương gan, tính chất khối u. Các mẫu tế bào gan có thể được lấy từ thủ thuật chọc hút kim nhỏ qua da (FNA) hoặc sinh thiết qua da. Sau khi tách mẫu mô gan ở vùng chẩn đoán bất thường, nghi ngờ ung thư để gửi đến phòng xét nghiệm mô bệnh học.

Cách điều trị ung thư gan giai đoạn đầu

Phương pháp điều trị ung thư gan phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước, vị trí khối u, giai đoạn ung thư gan, tình trạng sức khỏe của người bệnh. Một số phương pháp điều trị ung thư gan gồm: (4)

  • Phẫu thuật gan: bao gồm phẫu thuật cắt phân thùy gan và phẫu thuật ghép gan. (5)
    • Phẫu thuật cắt phân thùy gan chưa khối u: áp dụng với bệnh nhân có tình trạng sức khỏe khả quan, chức năng gan bình thường, khối u chưa chưa ảnh hưởng nhiều đến các mô xung quanh.
    • Ghép gan: phẫu thuật cắt bỏ mô gan chứa khối u và được thay thế bằng mô gan hiến tặng. Tuy nhiên với nguồn gan hiến tặng hạn chế và đòi hỏi tương thích, chỉ định phẫu thuật ghép gan hiện ít.
  • Đốt sóng cao tần RFA: sử dụng nhiệt cao (60-100 độ C) để đốt bỏ các tế bào ung thư.
  • Áp lạnh: sử dụng nhiệt lượng cực thấp để làm lạnh, tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Tiêm cồn: dùng cồn nguyên chất tiêm vào khối u.
  • Nút mạch: các bác sĩ có thể đưa thuốc hóa chất (nút mạch hóa chất – chemoembolization) hoặc các hạt vi cầu phóng xạ (nút mạch phóng xạ – radioembolization) trực tiếp đến các tế bào ung thư qua động mạch nuôi u gan.
  • Xạ trị: sử dụng năng lượng tia X hoặc proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Ngày nay xạ trị chuyên biệt hiện đại có thể giúp hạn chế ảnh hưởng các mô lành khi xạ trị ung thư.
  • Thuốc nhắm mục tiêu: loại thuốc nhắm vào những điểm yếu cụ thể trong tế bào ung thư, có tác dụng ức chế tế bào ung thư phát triển.
  • Liệu pháp miễn dịch: kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại các tế bào lạ, tấn công tế bào ung thư. Đây là một liệu pháp thường sử dụng trong điều trị ung thư gan giai đoạn tiến triển.
  • Các thử nghiệm lâm sàng: bệnh nhân tham gia vào các thử nghiệm phương pháp mới trong điều trị ung thư gan.

Phòng ngừa bệnh ung thư gan như thế nào?

Chúng ta không thể phòng ngừa mắc ung thư gan, tuy nhiên một số giải pháp giúp giảm thiểu nguy cơ tiến triển thành ung thư gan như:

  • Tiêm phòng vacxin ngừa viêm gan B. Đây là một trong các biện pháp hữu hiệu nhất giảm nguy cơ mắc viêm gan B – tiền căn phát triển ung thư gan.
  • Tránh lạm dụng rượu bia, thuốc lá.
  • Duy trì lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý.
  • Quan hệ tình dục an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan từ bạn tình.
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác, đặc biệt với người nhiễm virus viêm gan B.
  • Duy trì cân nặng phù hợp, giảm cân, tránh béo phì.
  • Không tự ý sử dụng thuốc Tây, chỉ sử dụng theo toa kê của bác sĩ.
  • Kiểm tra sức khỏe và chức năng gan định kỳ.
  • Tầm soát ung thư định kỳ 6-12 tháng/lần, đặc biệt với những người có tiền sử gia đình mắc các bệnh ung thư tiêu hóa, người có thói quen sử dụng thuốc lá, rượu bia kéo dài.

Để đặt lịch sàng lọc và điều trị ung thư gan tại khoa Ung bướu BVĐK Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua thông tin:

khám ung thư miễn phí

Tầm soát ung thư gan định kỳ là cách hiệu quả giúp bác sĩ sớm phát hiện dấu ấn ung thư ở người bệnh, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị ung thư gan giai đoạn đầu ngay từ sớm, nâng cao khả năng điều trị ung thư gan thành công.