Ung thư thực quản giai đoạn I: Dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

Ung thư thực quản giai đoạn I được đánh giá có thể tiếp cận điều trị với tiên lượng điều trị tương đối khả quan. Tuy nhiên hiệu quả điều trị cuối cùng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cần sự kết hợp chặt chẽ giữa người bệnh và bác sĩ.

ung thư thực quản giai đoạn 1

Ung thư thực quản giai đoạn I là gì?

Thực quản là một cấu trúc hình ống rỗng, có chiều dài khoảng 25cm và đường kính khoảng 2,5cm. Thực quản có vai trò di chuyển thức ăn và chất lỏng đến dạ dày để thực hiện quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Thực quản được cấu tạo từ 4 lớp:

  • Lớp niêm mạc: lớp trong cùng của thực quản. Lớp niêm mạc bao gồm 3 thành phần: biểu mô, màng đáy và cơ niêm.
  • Lớp dưới niêm mạc: gồm các mạch máu và thần kinh, tuyến tiết nhầy.
  • Lớp cơ: có vai trò tạo nhu động để di chuyển thức ăn từ họng xuống dạ dày.
  • Lớp áo ngoài: lớp ngoài cùng của thực quản, được cấu tạo từ mô liên kết.

Ung thư thực quản là căn bệnh ác tính, các tế bào ung thư phát triển từ lớp niêm mạc của thực quản, sau đó tiến triển lan rộng và xâm lấn các cơ quan xung quanh, di căn đến các cơ quan khác của cơ thể. Ung thư thực quản giai đoạn I (1) là giai đoạn các khối u còn khu trú trong lớp niêm mạc và lớp dưới niêm của thực quản, chưa di căn đến các hạch bạch huyết lân cận (còn gọi là hạch vùng) và chưa di căn đến các cơ quan khác của cơ thể. (1)

mô phỏng ung thư thực quản giai đoạn 1
Tỷ lệ mắc ung thư thực quản cao hơn ở nam giới, có thể liên quan đến thói quen hút thuốc, sử dụng rượu bia.

Ung thư biểu mô tế bào gai (còn gọi là tế bào vảy) và ung thư biểu mô tế bào tuyến chiếm hơn 95% các khối u ác tính thực quản. Trong đó, ung thư biểu mô tế bào gai thường gặp ở người châu Á và Đông Âu, còn ung thư biểu mô tế bào tuyến thường gặp ở Bắc Mỹ và Tây Âu.

Thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chế độ ăn uống thường sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao trên 60 độ C, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản và bệnh Barrett thực quản là một số yếu tố nguy cơ chính của ung thư thực quản.

Hệ thống phân giai đoạn TNM trong ung thư thực quản giai đoạn I

Theo hệ thống phân loại của Ủy ban Liên hợp Ung thư Hoa Kỳ phiên bản 8 (AJCC: American Joint Committee on Cancer), ung thư thực quản được phân giai đoạn dựa trên 3 yếu tố sau: (2)

T (Tumor – Khối u): Tùy thuộc mức độ xâm lấn của khối u, T sẽ được xếp giai đoạn như sau:

  • TX: Không đánh giá được khối u thực quản.
  • T0: Không ghi nhận được khối u thực quản.
  • Tis: Loạn sản mức độ nặng, tế bào ung thư còn khu trú trong lớp biểu mô, chưa xâm lấn đến lớp màng đáy.
  • T1: U xâm lấn đến lớp màng đáy, cơ niêm, lớp dưới niêm mạc.
    • T1a: Ung thư xâm lấn đến lớp màng đáy và cơ niêm.
    • T2a: Ung thư xâm lấn đến lớp dưới niêm mạc.
  • T2: U xâm lấn đến lớp cơ.
  • T3: U xâm lấn đến lớp vỏ (lớp ngoài cùng của thực quản).
  • T4: U xâm lấn các cơ quan lân cận
    • T4a: U xâm lấn màng phổi, màng ngoài tim, tĩnh mạch đơn, cơ hoành, phúc mạc (màng bụng).
    • T4b: U xâm lấn động mạch chủ, cột sống, đường thở.

N (Node – Di căn hạch bạch huyết): Số lượng hạch bạch huyết lân cận di căn (còn gọi là di căn hạch vùng)

sub kênh tiêu hóa tâm anh
  • N0: Không di căn hạch vùng.
  • N1: Di căn 1-2 hạch vùng.
  • N2: Di căn 3-6 hạch vùng.
  • N3: Di căn ≥ 7 hạch vùng.

M (Metastasis – Di căn xa): Tình trạng di căn xa tới các cơ quan khác trong cơ thể như phổi, gan, não, xương… hoặc di căn đến các hạch không phải hạch vùng. (3)

  • M0: Chưa di căn xa.
  • M1: Di căn xa.

Theo hệ thống phân giai đoạn TNM, ung thư thực quản giai đoạn I bao gồm các trường hợp sau:

  • Ung thư biểu mô tế bào gai: T1N0M0 hoặc T1N1M0.
  • Ung thư biểu mô tế bào tuyến: T1N0M0.

Xem thêm: 5 giai đoạn ung thư thực quản: Cách đánh giá và chẩn đoán chi tiết.

  • Ung thư thực quản giai đoạn 0
  • Ung thư thực quản giai đoạn 2
  • Ung thư thực quản giai đoạn 3
  • Ung thư thực quản giai đoạn 4
giai đoạn 1 ung thư thực quản
Trong giai đoạn I ung thư thực quản, khối u còn khu trú trong lớp niêm mạc thực quản.

Dấu hiệu ung thư thực quản giai đoạn 1

Dấu hiệu ung thư thực quản giai đoạn 1 thường mơ hồ và khó phân biệt với các bệnh lý khác. Người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường, chỉ tình cờ phát hiện bệnh khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám các bệnh lý khác. Vì vậy, hầu hết các trường hợp ung thư thực quản được chẩn đoán khi bệnh đã đến giai đoạn muộn, khiến việc điều trị khó khăn và tiên lượng kém khả quan.

Trong ung thư thực quản giai đoạn I, các triệu chứng thường xuất hiện với mức độ nhẹ và tần suất không thường xuyên. Một số triệu chứng người bệnh có thể gặp phải bao gồm: (4)

  • Cảm giác nuốt nghẹn, nuốt vướng với một số loại thức ăn đặc.
  • Sụt cân: Người bệnh có thể sụt cân nhanh chỉ trong thời gian ngắn dù không áp dụng bất kỳ chế độ ăn kiêng nào.
  • Một số biểu hiện tương tự bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản như khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, nóng rát giữa ngực sau ăn…

Những người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD – Gastrointestinal reflux disease) và Barrett thực quản… nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ hoặc khám bệnh sớm khi có những dấu hiệu bất thường để có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Ung thư thực quản giai đoạn I sống được bao lâu? 

Theo số liệu từ Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, sau khi được chẩn đoán ung thư thực quản giai đoạn I, khoảng 55% người bệnh vẫn có thể sống trên 5 năm. Ngoài giai đoạn ung thư, tiên lượng sống của người bệnh còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như: thể trạng người bệnh, các bệnh lý đi kèm, phương pháp điều trị ung thư, khả năng đáp ứng với điều trị… Một số trường hợp người bệnh có tiên lượng tốt hơn so với dự đoán. Vì vậy, khi phát hiện bệnh ung thư, người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan, tuân thủ hướng dẫn điều trị từ nhân viên y tế và xây dựng lối sống lành mạnh để quá trình điều trị đạt hiệu quả tối ưu.

tiên lượng ung thư thực quản giai đoạn 1
Người bệnh phát hiện ung thư thực quản giai đoạn I có tiên lượng điều trị và phục hồi tương đối tốt.

Chẩn đoán ung thư thực quản giai đoạn I

Các phương pháp cận lâm sàng có thể được thực hiện trong quá trình chẩn đoán ung thư thực quản bao gồm:

  • Nội soi tiêu hóa trên (bao gồm thực quản, dạ dày, tá tràng): Khi người bệnh xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ như nuốt nghẹn, nuốt vướng…, nội soi có thể được chỉ định để phát hiện các bất thường trong lòng thực quản, dạ dày hoặc tá tràng. Ngoài ra, nội soi giúp xác định vị trí khối u, mức độ hẹp lòng thực quản, tình trạng loét hoặc xuất huyết trên bề mặt khối u. Đồng thời, bác sĩ có thể kết hợp sinh thiết khối u trong quá trình nội soi, từ đó có thể xác định bản chất khối u bằng kết quả giải phẫu bệnh.
    • Trong một số trường hợp, nội soi có thể được kết hợp với siêu âm (viết tắt là EUS: Endoscopic UltraSonography) để đánh giá mức độ xâm lấn của khối u thực quản. Bác sĩ cũng có thể kết hợp EUS với sinh thiết bằng kim nhỏ (còn gọi là FNA: Fine Needle Aspiration) để sinh thiết các tổn thương hoặc hạch cạnh thực quản.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): Phương pháp thường được sử dụng phổ biến tại Việt Nam nhằm đánh giá giai đoạn ung thư thực quản. CT-scan có thể phát hiện tình trạng di căn hạch vùng hoặc di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể. Tuy nhiên, CT-scan có vai trò hạn chế trong việc đánh giá mức độ xâm lấn tại chỗ của khối u thực quản.
  • Trong một số tình huống cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm khác như MRI não (nghi ngờ di căn não), xạ hình xương (nghi ngờ di căn xương), PET/CT, nội soi ổ bụng, nội soi lồng ngực…
  • Xét nghiệm chỉ dấu ung thư: Xét nghiệm máu có thể phát hiện CEA, CA 19-9 tăng cao. Tuy nhiên, các xét nghiệm này thường chỉ được dùng để theo dõi sau điều trị. Tuy nhiên, CEA, CA 19-9 có thể tăng trong các bệnh lý khác. Đồng thời, các xét nghiệm chỉ dấu ung thư vẫn có thể bình thường trong một số trường hợp ung thư thực quản. Vì vậy, các xét nghiệm này không được sử dụng để tầm soát và chẩn đoán ung thư thực quản.

Điều trị ung thư thực quản giai đoạn I

Hiện nay, các hướng dẫn điều trị ung thư tại Việt Nam và trên thế giới đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của điều trị đa mô thức (phối hợp nhiều phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ…), để tối ưu hóa hiệu quả điều trị ung thư. Đồng thời, việc điều trị ung thư cần phải dựa trên yếu tố cá thể hóa, do mỗi người bệnh có những đặc điểm khác nhau về tính chất khối u, thể trạng, các bệnh lý đi kèm, hoàn cảnh tâm lý, xã hội…

Các phương pháp điều trị ung thư thực quản giai đoạn I bao gồm: (5)

khám ung thư miễn phí
  • Nội soi cắt lớp niêm mạc thực quản (EMR: endoscopic mucosal resection) hoặc cắt lớp dưới niêm mạc thực quản (ESD: endoscopic submucosal dissection): được chỉ định trong các trường hợp tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư thực quản giai đoạn rất sớm (Tis hoặc T1a).
  • Phẫu thuật cắt thực quản: Đây là phương pháp điều trị chính đối với người bệnh ung thư thực quản giai đoạn I. Người bệnh được phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản. Đây là một phương pháp phẫu thuật lớn (đại phẫu), liên quan đến 3 vùng trên cơ thể người bệnh bao gồm cổ, ngực bụng. Phẫu thuật thường kéo dài 4-6 giờ. Vì vậy, người bệnh cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, nâng cao thể trạng, điều trị ổn định các bệnh lý đi kèm trước khi phẫu thuật. Các bác sĩ cũng có thể đề nghị người bệnh mở dạ dày ra da để hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh trước và sau phẫu thuật.
  • Hóa trị kết hợp xạ trị (hóa-xạ trị đồng thời): Đây là phương pháp điều trị triệt để được chỉ định trong những trường hợp người bệnh không đủ sức khỏe để phẫu thuật cắt thực quản. Hóa trị kết hợp xạ trị giúp tăng khả năng tiêu diệt tế bào ung thư và ức chế sự phát triển của khối u. Hóa xạ đồng thời cũng có thể được chỉ định để điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật.
  • Xạ trị đơn thuần: Phác đồ này được chỉ định khi người bệnh không đủ sức khỏe để phẫu thuật hoặc hóa-xạ đồng thời.
khám chẩn đoán giai đoạn 1 ung thư thực quản
Thăm khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư thực quản.

Để khám và tầm soát ung thư thực quản tại BVĐK Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ qua thông tin sau:

Ung thư thực quản giai đoạn I có tiên lượng tương đối khả quan nếu được phát hiện sớm và điều trị phù hợp. Vì vậy, ngay cả khi không có những triệu chứng bất thường, bạn nên có kế hoạch khám sức khỏe định kỳ nếu thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao, hoặc chủ động khám bệnh sớm khi xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ để chẩn đoán và điều trị kịp thời.