Ung thư tuyến giáp có di truyền không? Chuyên gia giải đáp

Về thắc mắc ung thư tuyến giáp có di truyền không? Các chuyên gia cho biết đa số trường hợp ung thư tuyến giáp không có tính chất di truyền qua các thế hệ trong gia đình. Một số ít trường hợp ung thư tuyến giáp có liên quan đến những biến đổi gen di truyền có tính chất gia đình. Tuy nhiên, không phải người nào có người thân mắc những biến thể ung thư tuyến giáp này hay có mang những biến đổi gen di truyền này chắc chắn sẽ phát triển thành ung thư tuyến giáp. 

ung thư tuyến giáp có di truyền không

Ung thư tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là cơ quan nội tiết đóng vai trò bài tiết hormone điều hòa sự chuyển hóa của cơ thể. Về phương diện giải phẫu học, vị trí tuyến giáp nằm ở vùng cổ, trước khí quản, dưới sụn giáp; bao gồm thùy giáp phải, thùy giáp trái và eo tuyến giáp.

Ung thư tuyến giáp là một bệnh lý ác tính phổ biến, và đứng hàng thứ 5 trong các bệnh lý ung thư thường gặp ở nữ giới. Theo số liệu Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan), Việt Nam có 5.471 trường hợp mới được chẩn đoán ung thư tuyến giáp năm 2020. (1)

bệnh ung thư tuyến giáp có di truyền không
Bệnh ung thư tuyến giáp có di truyền không?

Ung thư tuyến giáp là sự xuất hiện của các nốt bất thường, khối u tại tuyến giáp do sự phân chia bất thường mất kiểm soát của các tế bào tuyến giáp. 

Theo mô bệnh học, ung thư tuyến giáp được chia thành các loại: (2)

  • Ung thư biểu mô thể biệt hóa, bao gồm: ung thư tuyến giáp thể nhú (90%), ung thư tuyến giáp thể nang (5%) và ung thư tuyến giáp thể oncocytic (2%).
  • Ung thư tuyến giáp thể tủy (2%).
  • Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa (dưới 1%)
  • Các loại mô bệnh học hiếm gặp khác như: u lympho tuyến giáp, sarcom tuyến giáp…

Ung thư có di truyền? 

Ung thư là bệnh lý do sự thay đổi về gen kiểm soát quá trình tăng sinh và phát triển của tế bào. Những biến đổi gen có liên quan đến ung thư xảy ra phần lớn do tiếp xúc các yếu tố sinh ung từ môi trường, hoá chất, tia UV, vi khuẩn… làm thay đổi phân tử di truyền DNA của chúng ta trong quá trình sinh sống hoặc do những sai sót ngẫu nhiên không được sửa chữa trong quá trình nhân đôi DNA của tế bào. Chỉ khoảng 10% những biến đổi gen này được nhận từ thế hệ trước. 

Bản thân bệnh lý ung thư không thể di truyền từ cha mẹ sang con cái. Những thay đổi gen ở tế bào ung thư tương tự cũng không thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau. Chỉ khi nào những thay đổi gen làm tăng nguy cơ ung thư hiện diện trong tế bào trứng hoặc tinh trùng của cha mẹ mới có thể truyền lại cho con cái. 

Phần lớn bản thân những biến đổi gen này vô hại, chỉ khi nào những sai sót này lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài mới có thể thay đổi các tế bào bình thường thành tế bào ác tính. 

Khi một người có nhận di truyền một hoặc nhiều biến đổi gen có liên quan ung thư từ gia đình không đồng nghĩa với việc người đó chắc chắn mắc bệnh ung thư. Sự thay đổi gen di truyền đó có ý nghĩa người đó sẽ có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn so với dân số chung.

Hội chứng ung thư gia đình là do các biến thể về gen có liên quan đến một số bệnh lý ung thư được di truyền trong gia đình. Phần lớn các trường hợp có mắc hội chứng này được chẩn đoán ung thư ở độ tuổi trẻ hoặc có những bệnh lý không ung thư khác đi kèm. Ví dụ, hội chứng ung thư vú buồng trứng có tính chất gia đình do có liên quan đến đột biến BRCA1/BRCA2, làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng và một số bệnh lý ác tính khác. 

Xem thêm: Ung thư có di truyền không? 9 loại ung thư di truyền phổ biến.

khám ung thư miễn phí

Ung thư tuyến giáp có di truyền không?

Đối với ung thư tuyến giáp, đại đa số trường hợp được chẩn đoán không có liên quan hội chứng di truyền hoặc tiền căn gia đình. 

Một số ít trường hợp ung thư tuyến giáp được ghi nhận có liên quan đến gia đình:

  • Ung thư tuyến giáp thể tủy: Khoảng 25% trường hợp di truyền trong gia đình có liên quan đến đột biến gen tiền ung RET. Tuy nhiên phần lớn trường hợp (khoảng 75%) ung thư tuyến giáp thể tủy là do mắc phải. (3)
  • Ung thư tuyến giáp thể cribriform-morular: Đây là một biến thể rất hiếm gặp của ung thư tuyến giáp. Có liên quan đến hội chứng đa polyp tuyến đại tràng có tính chất gia đình, do đột biến gen ức chế bướu APC. (4)
  • Bệnh Cowden: Bệnh có liên quan đến đột biến gen ức chế bướu PTEN, tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp thể nang và một số ung thư khác như tuyến vú, tử cung… (5)
  • Hội chứng Corney Complex: Bệnh có liên quan đến đột biến gen PRKAR1A, tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp thể nhú, thể nang, một số bướu lành tính khác và bệnh lý nội tiết. (6)

Đối tượng nào có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp?

Bên cạnh nỗi lo bệnh ung thư tuyến giáp có di truyền không thì việc ai có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cũng là điều nhiều người quan tâm. (7)

Nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp của bạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. 

ung thư tuyến giáp có nguy cơ ở phụ nữ
Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao gấp 3 lần nam giới.

Bất cứ điều gì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đều được gọi là yếu tố nguy cơ. Các loại ung thư khác nhau cũng có các yếu tố nguy cơ khác nhau. Tuy nhiên nếu bạn thuộc nhóm có một hoặc nhiều nguy cơ đồng thời, điều này không có nghĩa bạn chắc chắn mắc bệnh ung thư đó.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp gồm: 

  • Tuổi và giới tính: Ung thư tuyến giáp phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới và thường xuất hiện ở độ tuổi 40 đến 44. Đàn ông có nguy cơ phát triển ung thư ở độ tuổi muộn hơn, khoảng 70 đến 74 tuổi.
  • Tiền sử gia đình: Nếu gia đình có thành viên mắc ung thư tuyến giáp, khả năng cao người thân là cha mẹ, anh chị em, con cái của họ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn. Tuy nhiên không phải mọi người đều mắc ung thư tuyến giáp nếu có người thân mắc bệnh này. 
  • Tiền sử tiếp xúc bức xạ: Tuyến giáp rất nhạy cảm với bức xạ. Những người có tiền sử từng chiếu xạ vùng đầu, cổ, ngực thời niên thiếu cũng có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp. Bên cạnh đó, những người làm việc hoặc sinh hoạt trong vùng bức xạ cao có thể phát triển các nốt hoặc bướu trên tuyến giáp.
  • Lối sống kém lành mạnh: Thói quen ăn uống thiếu hoặc thừa Iod, thường xuyên uống rượu, hút thuốc. 
  • Thể trạng thừa cân, béo phì: Người thừa cân, béo phì, hạn chế vận động có nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính, và có nguy cơ mắc một số bệnh lý ung thư.
  • Chế độ ăn: Ghi nhận ở những vùng chế độ ăn thiếu Iod có tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp thể nang cao hơn, hay vùng có chế độ ăn giàu Iod có tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp thể nhú nhiều hơn.

Cách phòng ngừa ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh lý ung thư phổ biến ở Việt Nam. Hiện nay, các nghiên cứu chưa tìm ra chính xác nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp là gì. Một số nguy cơ làm tăng khả năng bị mắc ung thư tuyến giáp như: tiền sử tiếp xúc bức xạ, chế độ thừa hay thiếu Iod, tiền sử gia đình, giới tính, độ tuổi. Nếu như các yếu tố như tuổi tác, tiền sử gia đình không thể thay đổi… thì một số yếu tố rủi ro bắt nguồn từ lối sống hoàn toàn có thể thay đổi, kiểm soát được. Nhờ vậy làm giảm yếu tố nguy cơ được xem là cách phòng ngừa ung thư tuyến giáp hiệu quả nhất.

Một số khuyến nghị trong phòng ngừa ung thư tuyến giáp bao gồm:

  • Giảm thiểu tiếp xúc với bức xạ: Sử dụng các quần áo chuyên dụng, tấm chắn bức xạ có hại cho tuyến giáp khi tiếp xúc với khu vực cảnh báo có bức xạ hoặc môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với các tia bức xạ. Thường xuyên theo dõi mức độ phơi nhiễm phóng xạ ở môi trường làm việc bằng thiết bị theo dõi chuyên dụng.
  • Biết được tình trạng tiền sử gia đình: Tương tự các bệnh lý ung thư ác tính khác, ung thư tuyến giáp có khả năng di truyền giữa các thế hệ trong gia đình do mang đột biến gen di truyền. 
  • Duy trì lối sống lành mạnh: Việc kiểm soát các khía cạnh sức khỏe và lối sống lành mạnh là điều quan trọng nhất trong phòng ngừa các bệnh lý ung thư. Bạn nên duy trì chế độ ăn kiêng ít béo, tập thể dục và tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu bia… Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ gồm trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và chất xơ, protein và chất chống oxy hóa. Đây đều là những chất có tác dụng làm chậm hoặc ngăn ngừa các tổn thương, tế bào bất thường.
  • Chú ý chế độ Iod trong khẩu phần ăn hàng ngày: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng muối dung nạp vào cơ thể mỗi ngày nên ở mức 5gr muối ăn/ngày/người, tương đương với 2 thìa sữa chua muối. Đảm bảo lượng muối vừa phải giúp hạn chế nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cũng như đề phòng các bệnh lý mạn tính khác. 
  • Tránh thừa cân, béo phì: Các nghiên cứu cho thấy béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp. Để duy trì cân nặng phù hợp, bạn cần tuân thủ chế độ ăn dinh dưỡng phù hợp kết hợp các hoạt động thể chất để có một trọng lượng cơ thể như mong muốn.
  • Chủ động kiểm tra sức khỏe, tầm soát ung thư: Mỗi người nên thăm khám sức khỏe mỗi 6 tháng/lần và kiểm tra bằng các xét nghiệm lâm sàng để chẩn đoán, dự phòng các bệnh lý nguy hiểm, trong đó có ung thư. Hiện nay, siêu âm tuyến giáp là phương thức kiểm tra, tầm soát ung thư giáp hiệu quả đang được áp dụng. Nếu gia đình bạn có người thân mắc ung thư tuyến giáp, hãy thông báo đến bác sĩ điều trị để có hướng dự phòng, xử trí phù hợp.

Tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư tuyến giáp

Phát hiện sớm, điều trị hiệu quả là cách giúp bệnh nhân chiến đấu chống lại căn bệnh nan y này. Hiện nay, các chương trình tầm soát ung thư tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm, lên kế hoạch điều trị triệt căn phù hợp ngay từ giai đoạn đầu, khối u chưa có dấu hiệu di căn cơ quan khác.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chương trình tầm soát ung thư tuyến giáp được thiện bằng các xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm, khám kiểm tra vùng tuyến giáp, hạch cổ, thăm hỏi tiền sử bệnh tật của cá nhân và gia đình. 

tầm soát ung thư tuyến giáp có di truyền không
Siêu âm tuyến giáp là một trong những phương pháp tầm soát ung thư tuyến giáp.

Để liên hệ thông tin và đặt lịch tầm soát ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên lạc qua:

Bài viết trên đã cung cấp các thông tin cơ bản giải đáp thắc mắc Ung thư tuyến giáp có di truyền không. Với sự phát triển của y học ngày nay, tầm soát phát hiện sớm ung thứ tuyến giáp đã đem lại hiệu quả điều trị tích cực, tăng tỷ lệ sống còn và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.