Ung thư tuyến giáp có lây không? Bệnh có thể lây qua đường nào?

Ung thư tuyến giáp có lây không là thắc mắc của nhiều người, đặc biệt đối với những gia đình có người thân đã và đang mắc ung thư tuyến giáp. Thực hư tin đồn sinh hoạt, tiếp xúc với người bệnh ung thư có nguy cơ bị lây nhiễm ung thư liệu có đáng tin cậy?

ung thư tuyến giáp có lây không

Ung thư tuyến giáp có lây không?

Ung thư tuyến giáp (Thyroid Cancer) là một loại ung thư phổ biến nhất và có tỷ lệ mắc bệnh gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu. Theo số liệu từ Tổ chức Ung thư Toàn cầu (GLOBOCAN) 2020, ung thư tuyến giáp là một trong 10 loại ung thư phổ biến nhất thế giới, ghi nhận 586.202 trường hợp mắc mới và 43.646 người tử vong vì căn bệnh này. (1)

Nhiều người nhầm tưởng ung thư tuyến giáp có thể lây lan từ người này sang người khác, dẫn đến những kỳ thị không đáng có đối với những người không may mắc phải ung thư tuyến giáp nói riêng và các bệnh lý ung thư ác tính nói chung. Vậy bệnh ung thư tuyến giáp có lây không?

bệnh ung thư tuyến giáp có lây không
Bệnh ung thư tuyến giáp có lây không? Tiếp xúc với người bệnh  ung thư tuyến giáp có bị lây không?

Ung thư tuyến giáp là tình trạng tăng sinh không kiểm soát của các tế bào bất thường trong tuyến giáp, từ đó tiến triển thành khối u ác tính. Các yếu tố nguy cơ chính của ung thư tuyến giáp thường có thể liên quan đến di truyền, môi trường và lối sống, chứ không phải từ vi khuẩn, virus hoặc các tác nhân lây truyền khác. Vì vậy, ung thư tuyến giáp không phải là bệnh truyền nhiễm; đồng nghĩa với việc ung thư tuyến giáp không thể nào lây từ người này sang người khác cho dù có hít thở chung bầu không khí, dùng chung đồ vật, tiếp xúc qua cơ thể như chạm, hôn hoặc quan hệ tình dục.

Đồng thời, nhiều người trong cùng gia đình có khả năng cùng mắc một loại ung thư. Điều này được lý giải rằng không phải ung thư lây lan trong gia đình mà có thể do các thành viên có cùng chung một hoặc một vài đột biến gen; hoặc các thành viên có cùng môi trường cũng như cùng lối sống không lành mạnh tương tự nhau (ăn kiêng, ăn nhiều thức ăn không tốt cho cơ thể, cách chế biến thức ăn tăng nguy cơ ung thư, hút thuốc lá…); hoặc các thành viên trong gia đình tiếp xúc cùng một tác nhân gây ung thư tuyến giáp.

Tóm lại, với thắc mắc ung thư tuyến giáp có lây không, câu trả lời là ung thư tuyến giáp tuyệt đối không thể và không lây nhiễm qua các con đường tiếp xúc thông thường. Do đó mọi người không nên quá lo lắng và hoảng sợ.

Một số nghiên cứu cho thấy có vài tình huống rất hiếm gặp, và cần thêm các thông tin đánh giá chính xác hơn về việc bệnh ung thư có thể lây qua quá trình cấy ghép nội tạng. Cần nhấn mạnh thêm một lần nữa, rằng các tình huống này rất hiếm gặp, và chưa có bằng chứng rõ ràng. Ví dụ như:

  • Lây qua cấy ghép nội tạng: Sau khi thực hiện cấy ghép nội tạng, người bệnh có nguy cơ phát triển cùng loại ung thư mà người cho ghép đã mắc phải. Đây được gọi là ung thư liên quan đến cấy ghép (graft-versus-host disease-related cancer). Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra ở một số trường hợp như cấy ghép tủy xương hoặc cấy ghép tạng thận.

Ung thư tuyến giáp có di truyền không?

Khoảng 5-10% trường hợp người bệnh ung thư tuyến giáp có mang đột biến gen, tăng nguy cơ mắc ung thư do yếu tố di truyền trong gia đình. Các nghiên cứu cho thấy, người mắc ung thư tuyến giáp di truyền khả năng cao do mắc chứng đa u tân sinh nội tiết MEN là chữ viết tắt của Multiple Endocrine Neoplasia, có nghĩa là “Đa u tân sinh nội tiết”). Các thay đổi trong gen RET gây ra hội chứng MEN2A và MEN2B. Những người mắc hội chứng này có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến giáp. Khoảng 25% trường hợp mắc ung thư tuyến giáp thể tủy có liên quan đến MEN gây lỗi gen. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp có đột biến gen RET đều mắc ung thư tuyến giáp. (2)

khám chẩn đoán ung thư tuyến giáp có lây không
Tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở nữ giới cao hơn nam giới 2-3 lần.

Khoảng 90-95% bệnh nhân bị ung thư do các yếu tố nguy cơ khác như tuổi tác, bệnh sử cá nhân, từng tiếp xúc với tia bức xạ, lối sống thiếu lành mạnh… Những trường hợp này được gọi là ung thư “không di truyền” hoặc ung thư “tự phát”.

Nhìn chung, nếu trong gia đình có người mắc ung thư tuyến giáp, khả năng cao người thân thế hệ thứ nhất của họ (cha mẹ, con cái, anh chị em) mắc ung thư tuyến giáp trong tương lai. Do đó, mỗi người cần theo dõi và chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ cũng như tầm soát ung thư, đặc biệt đối với những gia đình có nhiều người mắc cùng những bệnh lý nguy hiểm.

Nguyên nhân ung thư tuyến giáp

Đến nay, các nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp chưa được xác định chính xác. Nhiều nghiên cứu cho thấy các yếu tố như tuổi tác, quá trình lão hóa cùng yếu tố môi trường ô nhiễm, sinh hoạt kém lành mạnh, duy trì các thói quen không tốt cho sức khỏe… đều được xem là những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc ung thư tuyến giáp. (3)

khám ung thư miễn phí

Một số yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư tuyến giáp:

  • Hệ miễn dịch bị rối loạn: Tình trạng này khiến cơ thể mất đi khả năng tự điều chỉnh và sửa chữa các tổn thương bất thường về tế bào của tuyến giáp, về lâu dài sẽ làm tăng khả năng hình thành khối u ác tính của tuyến giáp.
  • Phơi nhiễm phóng xạ: Những người có tiền sử tiếp xúc với các chất phóng xạ, tia phóng xạ và bức xạ có thể có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến giáp.
  • Di truyền trong gia đình: Như đã nêu trên, ung thư tuyến giáp di truyền trong gia đình thường do có liên quan đến đột biến gen RET, dẫn đến hội chứng đa u tân sinh nội tiết.
  • Tuổi tác và sự thay đổi hormone: Sự lão hóa của các tế bào là điều không thể thay đổi. Ung thư có nguy cơ hình thành nhiều ở nữ giới độ tuổi từ 30 đến 50, trong khi nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp ở nam giới phổ biến ở độ tuổi 60-70. Nguyên nhân liên quan đến tỷ lệ nữ giới mắc ung thư tuyến giáp cao hơn nam giới gấp 2-3 lần liên quan đến sự thay đổi hormone ở nữ kích thích quá trình hình thành u, bướu ở tuyến giáp. Các bất thường này có thể phát triển thành ung thư trong tương lai.
  • Bệnh sử cá nhân: Những người mắc bệnh lý liên quan tuyến giáp như viêm tuyến giáp, bệnh Basedow, suy giảm hormone tuyến giáp… đều gây tổn thương các tế bào tuyến giáp. Nếu các tổn thương này không được cơ thể tự điều chỉnh và sửa chữa, về lâu dài sẽ là yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc ung thư tuyến giáp trong tương lai.
  • Tác dụng phụ một số loại thuốc điều trị: Khi điều trị một số loại bệnh lý liên quan đến tuyến giáp, bác sĩ có thể chỉ định uống Iod phóng xạ. Đây là một yếu tố gia tăng nguy cơ ung thư giáp. Tuy nhiên, đối với trường hợp bệnh nhân đã cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, bệnh nhân cần uống phóng xạ Iod 131 để tiêu diệt các tế bào ung thư, kéo dài thời gian sống.
  • Các yếu tố liên quan đến lối sống: Người có chế độ ăn thiếu hoặc thừa Iod, uống nhiều rượu, hút thuốc lá, thể trạng thừa cân, béo phì… có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn những người khác.

Phòng ngừa bệnh ung thư tuyến giáp như thế nào?

Các dữ liệu gần nhất cho biết, tại Mỹ, khoảng 40% bệnh nhân nhận chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào một thời điểm nhất định trong cuộc đời của họ. Mặc dù ung thư có thể đe dọa tính mạng nhưng nhiều người vẫn được điều trị thành công. Không ít người khác sống chung với bệnh ung thư trong một thời gian rất dài. (4)

nên khám tầm soát ung thư tuyến giáp sớm
Thăm khám và tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư tuyến giáp giúp tiên lượng điều trị tốt hơn, phục hồi bệnh nhanh hơn.

Hiện nay, nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp vẫn chưa được xác định chính xác. Các bác sĩ không chắc chắn yếu tố nguy cơ nào là vượt trội và đóng vai trò chính trong việc gây ra bệnh ung thư tuyến giáp. Do đó không có biện pháp nào phòng tránh hoàn toàn nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.

Tuy nhiên, có một vài phương pháp giúp hạn chế nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp  được các chuyên gia khuyến nghị thực hiện như sau:

  • Sử dụng đồ bảo hộ chuyên dụng khi làm việc/tiếp xúc trong môi trường có phóng xạ: Điều này giúp giảm tác động của các tia, chất phóng xạ.
  • Chủ động thăm khám sức khỏe, tầm soát ung thư: Nếu trong gia đình bạn không có bệnh sử ghi nhận người mắc ung thư tuyến giáp, điều này không đồng nghĩa với việc bạn không mắc ung thư tuyến giáp. Trường hợp gia đình bạn có người mắc ung thư tuyến giáp hoặc các bệnh lý ung thư ác tính khác, bạn và những người thân còn lại nên chủ động thăm khám, theo dõi. ThS.BS.CKII Vương Thị Nguyên Thảo khuyến nghị, thăm khám sức khỏe định kỳ giúp nhanh chóng phát hiện các bất thường sức khỏe, chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm để điều trị kịp thời và hiệu quả điều trị tốt hơn.
  • Duy trì lối sống lành mạnh: Thực hiện chế độ dinh dưỡng phong phú và đa dạng, dung nạp lượng muối Iod phù hợp. Tăng cường vận động, nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi, tránh uống rượu bia và thuốc lá…

Chủ động khám tầm soát ung thư tuyến giáp

Thăm khám tầm soát và phát hiện sớm ung thư tuyến giáp giúp điều trị bệnh có hiệu quả cao hơn.

Tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, dịch vụ tầm soát ung thư tuyến giáp giúp nhiều bệnh nhân phát hiện ung thư ngay giai đoạn sớm nhờ hệ thống thiết bị máy móc hiện đại như: Hệ thống máy Siêu âm 3D đàn hồi Real time hiện đại nhất thế giới – SuperSonic Imagine Mach 30 giúp phát hiện các nốt, sần bất thường tuyến giáp; Máy chụp cắt lớp vi tính (CT) SOMATOM Drive 2 hiện đại, Máy chụp cộng hưởng từ (MRI) ứng dụng công nghệ “Ma trận sinh học toàn phần” (Đức) giúp đánh giá mức độ tế bào ung thư di căn cơ quan xa.

Với đội ngũ chuyên gia hàng đầu, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư, luôn phối hợp đa chuyên khoa (Ung bướu, Tiêu hóa, Tim mạch, Thần Kinh, Sản – Nhi, Tai Mũi Họng, Tiết niệu…) giúp việc chẩn đoán và điều trị chuyên sâu và mang tính cá thể hóa, đồng thời hỗ trợ nâng đỡ thể trạng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.

Để đăng ký khám, tầm soát, điều trị ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ qua thông tin sau:

Thông qua các thông tin được cung cấp trên đây, hy vọng người đọc đã được giải đáp thắc mắc ung thư tuyến giáp có lây không? Để biết thêm các thông tin liên quan điều trị ung thư tuyến giáp, bạn có thể tham khảo các bài viết khác hoặc liên hệ Hotline để được hỗ trợ.